Quy định về Chứng chỉ hành nghề đấu giá
Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá
Khi chưa có Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì ai cũng có thể trở thành đấu giá viên, bởi Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản chỉ quy định công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành học từ hai năm trở lên thì được cấp Thẻ đấu giá viên. Đến Nghị định số 17/2010/NĐ-CP,dù đã phần nào hạn chế được tình trạng này, nhưng các quy định về thời gian đào tạo (03 tháng), miễn đào tạo, không có quy định về tập sự và kiểm tra kết quả tập sự ... chưa đủ để đảm bảo chất lượng của một đấu giá viên khi được cấp Chứng chỉ hành nghề.Nhằm khắc phục những hạn chế trên và hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ đấu giá viên chất lượng, chuyên nghiệp, Luật Đấu giá tài sản quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn đấu giá viên để cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá như sau:
- Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng (có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá);
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá (thời gian đào tạo 06 tháng), trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá.
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá (thời gian tập sự 06 tháng).
Những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá:
Nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch và chất lượng đấu giá viên, Luật Đấu giá tài sản còn quy định loại trừ một số trường hợp trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, bao gồm:
- Không đủ tiêu chuẩn đấu giá viên;
-Đang là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
- Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Những trường hợp được cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá
Tùy từng trường hợp cụ thể, Luật quy định điều kiện cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá như sau:
- Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá do thuộc một trong các trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá được xem xét cấp lại khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đấu giá viên và lý do thu hồi không còn.
- Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá do không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, (trừ trường hợp bất khả kháng) được xem xét cấp lại sau 01 năm kể từ ngày bị thu hồi.
- Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá do thôi hành nghề theo nguyện vọng được xem xét cấp lại khi có đề nghị.
- Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá nếu Chứng chỉ bị mất hoặc bị hư hỏng không thể sử dụng được thì được xem xét cấp lại.
Những trường hợp không được cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá
Đây là một trong những điểm mới của Luật Đấu giá tài sản, thể hiện chế tài nghiêm khắc của Luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động hành nghề của đấu giá viên; góp phần hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, bảo đảm tính trung thực, khách quan trong hoạt động đấu giá. Cụ thể, người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá không được cấp lại Chứng chỉ trong các trường hợp sau đây:
- Bị thu hồi Chứng chỉ do bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợplợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi hoặc thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
- Bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích./.
Hạnh Ngân