Sở Tư pháp tổ chức tập huấn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Hội nghị đã vinh dự có sự có mặt của đồng chí Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp và đồng chí Đặng Quốc Vinh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 

 

H. Đ/c Đặng Quốc Vinh, PCT UBND tỉnh

 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đặng Quốc Vinh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thi hành Luật và khẳng định: Việc ban hành Luật TNBTCNN năm 2017 có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi đây là một bước hoàn thiện về mặt thể chế điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc củng cố, hoàn thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nền công vụ cũng như trách nhiệm của Nhà nước trước công dân.

 

 

Tập huấn Luật, đồng chí Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã tập trung giới thiệu những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, như: quy định cụ thể và rõ ràng hơn về những đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường theo hướng mở rộng đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường và quy định rõ hơn từng nhóm đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường; quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường tương ứng với các cơ chế giải quyết bồi thường; quy định cụ thể từng căn cứxác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…Đồng chí Cục trưởng cũng đã lồng ghép trong bài giảngcác vụ việc xảy ra trách nhiệm bồi thường trên thực tế, nhờ đó, nội dung hội nghị được sinh động và lôi cuốn sự chú ý của các đại biểu.

 

 

Ở Hà Tĩnh, trong những năm qua, xác định được tầm quan trọng của công tác bồi thường nhà nước đối với nền công vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo như chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ. Nhìn chung các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai, phổ biến các nội dung của Luật TNBTCNN; đã có sự phân công, bố trí cán bộ, công chức phụ trách công tác bồi thường. Theo thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh có 29 đơn vị bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bồi thường nhà nước với tổng số 317 cán bộ. Kết quả thi hành Luật TNBTCNN cũng cho thấy, từ trước đến nay, ở Hà Tĩnh không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường, do đó không có yêu cầu xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường và cũng không phải đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường, việc chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai Luật TNBTCNN cũng còn gặp phải một số tồn tại, khó khăn như: Công tác bồi thường nhà nước là một công tác mới, chưa có nhiều thực tiễn; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bồi thường nhà nước mới chỉ chú trọng đến đội ngũ công chức mà chưa chú trọng đến đối tượng là cá nhân, tổ chức, nên khi có thiệt hại họ không thực hiện hoặc lúng túng trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình; Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bồi thường nhà nước chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chưa được tập huấn nhiều và chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường và giải quyết một số tình huống yêu cầu bồi thường…

Với buổi tập huấn này, các đại biểu đã có thêm kiến thức về pháp luật bồi thường nhà nước để ứng dụng vào việc giải quyết khi có các vụ việc xảy ra liên quan đến đơn vị mình. Đồng thời, nâng cao hơn trách nhiệm trong thực thi công vụ để tránh xảy ra oan sai, gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân./.

Nguyễn Anh- Kim Lân

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN