Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, bờ biển

                                                                                                             

        Với vai trò là một cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” trên địa bàn tỉnh, thời gian qua việc triển khai thực hiện Đề án đã được Sở Tư pháp tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Các hoạt động do Sở trực tiếp thực hiện được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo tiến độ và chất lượng, huy động được sự phối hợp tham gia của nhiều cơ quan có liên quan. Việc đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo Tư pháp cấp dưới trong việc thực hiện Đề án được triển khai kịp thời, thường xuyên, kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra và khen thưởng định kỳ. Nhờ vậy Đề án này đã được thực hiện nghiêm túc trong toàn ngành, tích cực góp phần chuyển tải các văn bản pháp luật mới, thiết thực, các vấn đề pháp luật được dư luận quan tâm cho cán bộ, Nhân dân. Do đó, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, Nhân dân các xã biên giới, bờ biển được nâng lên rõ rệt, tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; cán bộ, quần chúng Nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

        Để đạt được kết quả đó, hàng năm Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL với một trong các nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các Đề án PBGDPL, trong đó có Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, đồng thời tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành hướng dẫn công tác PBGDPL hàng quý, trong đó định hướng cụ thể các nội dung pháp luật cần được chú trọng tuyên truyền cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo góp phần đảm bảo các hoạt động tuyên truyền pháp luật thuộc phạm vi Đề án do các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện được thực chất, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu của Nhân dân. Sở đã xây dựng, in ấn và cấp phát trên 270.000 tài liệu, 3.000 đĩa CD, xuất bản 10.000 cuốn bản tin tư pháp; đăng tải hơn 2.000 tin, bài trên cổng thông tin điện tử của Sở. Nội dung tài liệu tập trung tuyên truyền về chủ quyền biển đảo,  pháp luật về bảo vệ môi trường biển, biên giới quốc gia, bầu cử, phòng chống bệnh truyền nhiễm, bộ luật hình sự…; tham mưu tổ chức hơn 84 hội nghị tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp và Nhân dân; phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng gần 50 chuyên đề Pháp luật và đời sống để giới thiệu văn bản pháp luật pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân.  Đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi ở cơ sở” dưới hình thức sân khấu hóa; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà tập huấn pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên và ngư dân các xã Thạch Kim huyện Lộc Hà và xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến như: tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, tìm hiểu pháp luật về bầu cử...; nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã được xây dựng và phát huy hiệu quả tại các địa phương như mô hình “Câu lạc bộ tình thương” tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “Tổ chức đối thoại” giữa các cơ quan nhà nước và Nhân dân tại thị xã Hồng Lĩnh, mô hình “Hỏi đáp pháp luật” tại huyện Nghi Xuân thực sự là kênh thông tin để giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật kịp thời đến với người dân. Một số địa phương như Thạch Hà, Đức Thọ đã sử dụng có hiệu quả hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua mạng xã hội facebook. Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh thực hiện TGPL 4.748 vụ việc, trong đó, có những vụ, việc TGPL cho Nhân dân vùng biên giới, bờ biển. Đặc biệt, 01 vụ án hình sự có trợ giúp viên pháp lý tham gia thực hiện đã được đưa vào án lệ số 30/2020/AL để làm nguồn xét xử cho những vụ án xảy ra tương tự; tổ chức thực hiện thành công 504 cuộc truyền thông về TGPL thu hút khoảng hơn 28.000 người tham gia; cấp phát khoảng 142.500 tờ rơi, tờ gấp về trợ giúp pháp lý, tài liệu các lĩnh vực pháp luật được người dân, người được TGPL quan tâm; biên soạn 82 số Chương trình phát thanh “TGPL với người dân” để phát đến tận thôn, xóm giúp người dân có hiểu biết về chính sách TGPL miễn phí và các pháp luật có liên quan đến đời sống người dân; lắp đặt mới 71 Bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp trên toàn tỉnh; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp về TGPL trong hoạt động xét xử giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Trung tâm và Đoàn luật sư tỉnh. Qua đó, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt là trong công tác phối hợp tham gia tố tụng, truyền thông trợ giúp pháp lý về cơ sở.

(Tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân của các xã ven biển)

        Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án này trong giai đoạn tiếp theo kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Chỉ thị số 02-CT/TW ngày 04/12/2020 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thực hiện Kết luận này trên địa bàn tỉnh; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Đề án, cơ quan, tổ chức khác và chính quyền các cấp trong việc triển khai Đề án để đảm bảo triển khai Đề án đạt kết quả tốt nhất; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; xây dựng, tổng kết, nhân rộng mô hình PBGDPL hiệu quả; tạo bước đột phá mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tại các xã vùng biên giới, bờ biển; tăng cường lồng ghép việc thực hiện Đề án này với các Đề án khác như: Đề án tăng cường PBGDPL trên địa bàn tỉnh, Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở….

        Hi vọng, với việc thực hiện tốt một số nhiệm vụ trên, thời gian tới việc triển khai thực hiện Đề án “tăng cường PBGDPL cho cán bộ và Nhân dân vùng biên giới, hải đảo” sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa./.

                                                                                         Kim Oanh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN