Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh về thực hiện cải cách hành chính

        Trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnhđã được đẩy mạnh, tăng cường và đạt được những kết quả khá toàn diện trên 06 lĩnh vực của công tác cải cách hành chính, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số PARINDEX những năm gần đây của tỉnh được duy trì khá ổn định: năm 2015 xếp thứ 15, năm 2016 xếp thứ 17, năm 2017 xếp thứ 17 khối các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và xếp thứ Nhất các tỉnh cụm Bắc Trung Bộ; Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 23, tăng 10 bậc so với năm 2017; chỉ số PAPI năm 2018 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 5 bậc so với năm 2017...

        Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền. Trước yêu cầu đó, ngày 27/9/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 54/2019/QĐ-UBND quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh về thực hiện cải cách hành chính, thay thế Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 của UBND tỉnh.

        Theo đó, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh về thực hiện cải cách hành chính gồm 05 nhóm đối tượng sau: (1) Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh (gọi chung là người đứng đầu cấp sở); (2) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là người đứng đầu UBND cấp huyện); (3) Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là người đứng đầu UBND cấp xã); (4) Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (gọi chung là người đứng đầu các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh); (5) Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách các cơ quan, đơn vị kể trên. Như vậy, đối tượng áp dụng có nhiều thay đổi so với quy định tại Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, cụ thể: Không còn quy định đối tượng người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh, Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; bổ sung thêm 02 nhóm đối tượng, gồm: người đứng đầu các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị.

        Trách nhiệm của người đứng đầu được xác định theo nguyên tắc: (1) Khi xem xét, xác định trách nhiệm của người đứng đầu để đánh giá, xếp loại, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật về thực hiện cải cách hành chính phải khách quan, đúng người, đúng việc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; (2) Trong trường hợp người đứng đầu đã làm hết trách nhiệm và áp dụng mọi biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi, vi phạm các quy định về cải cách hành chính thì được xem xét giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật hoặc miễn trách nhiệm; (3) Mọi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời. Việc xử lý kỷ luật người đứng đầu vi phạm được tiến hành công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Các nguyên tắc này là quy định mới, chưa được đề cập ở văn bản trước đây.

        Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong cải cách hành chính được quy định cụ thể, chi tiết trong 08 nội dung lớn. Cụ thể: Chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị; Thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Thực hiện cải cách tài chính công; Hiện đại hóa hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

        Ngoài việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong các nhóm nội dung trên, người đứng đầu của các Sở, ngành: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh còn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các lĩnh vực cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực cải cách thể chế.

        Việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện cải cách hành chính được quy định tại Quyết định với các tiêu chí,yêu cầu cụ thể, chặt chẽ hơn so với quy định trước đây. Theo đó, hàng năm, người đứng đầu các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnhđược đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi Chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị đạt từ 90% số điểm trở lên theo Quyết định phê duyệt Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của Chủ tịch UBND tỉnh; Đối với cấp xã, phải đạt từ 90% số điểm trở lên theo Quyết định phê duyệt Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của Chủ tịch UBND cấp huyện.

        Ngoài ra, Quyết định còn quy định về căn cứ xem xét đánh giá, phân loại, khen thưởng và xem xét kỷ luật người đứng đầu; thẩm quyền đánh giá mức độ hoàn thành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm và tổ chức thực hiện.../.

Ngọc Anh

 TIN TỨC LIÊN QUAN