Tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Tư pháp
Ngày 29 tháng 5 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Tư pháp, thay thế Nghị định số 74/2006/NĐ-CP ngày 01/8/2006 của Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2014.
Nghị định này có 06 chương với 50 điều gồm những nội dung cơ bản như: Quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp; thanh tra viên;người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động Thanh tra Tư pháp,…
Nghị định 54/2014/NĐ-CPra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới, rõ rệt và quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp. So với Nghị định 74/2006/NĐ-CP thì Nghị định 54/2014/NĐ-CP có nhiều điểm mới như sau:
Bổ sung 2 cơ quan thanh tra chuyên ngành
Trước đâyNghị định 74/2006/NĐ-CP quy định chỉ có Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp mới có chức năng thanh tra chuyên ngành, nhưng Nghị định 54/2014/NĐ-CP quy định cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp gồm cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó, cơ quan thanh tra nhà nước có Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp. Đồng thời bổ sung thêm 2 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đó là Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Nghị định 54/2014/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về người được giao thực hiện nhiệm vụ thành tra ngành, theo đó người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra ngành Tư pháp là công chức của Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngạch công chức đang giữ và các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 12, Nghị định 07/2012/NĐ-CP.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có quyền xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra viên Tư pháp.
Phân biệt rõ hoạt động, thẩm quyền, phạm vi thanh tra của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp.
Hoạt động thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 54/2014/NĐ-CP thì chỉ có Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp mới có thẩm quyền thanh tra hành chính.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành là thanh tra các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp như: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản, nuôi con nuôi, giám định tư pháp, trọng tài thương mại, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 54/2014/NĐ-CP: Thanh tra Sở Tư pháp được thanh tra chuyên ngành tất cả các lĩnh vực nêu trêntrừ thanh traQuốc tịch và Hợp tác quốc tế về pháp luật.
Quy định cụ thể nội dung thanh tra chuyên ngành
Theo Nghị định 54/2014/NĐ-CP, đối tượng thanh tra chuyên ngành là cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Một trong những điểm mới của Nghị định 54/2014/NĐ-CP là quy định cụ thể về nội dung thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hộ tịch, nuôi con nuôi, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kiểm tra văn bản QPPL, hợp tác với nước ngoài về pháp luật, giám định tư pháp, xử lý vi phạm hành chính.
Đổi mới công tác thanh tra đột xuất và bổ sung thêm quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra ngành Tư pháp.
Về thanh tra đột xuất: Theo Nghị định 74/2006/NĐ-CP, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp phải trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp quyết định việc thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 41, Nghị định 54/2014/NĐ-CP đã quy định mới, mở rộng về thẩm quyền ra quyết định thanh tra đột xuất của Thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp, cụ thể: Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập đoàn thanh tra.
Về thanh tra lại: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị đinh 74/2006/NĐ-CP, một thực tiễn đặt ra là những nội dung trong kết luận thanh tra có được triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì thế, để kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong việc thực hiện kết luận thanh tra, tìm ra nguyên nhân và trách nhiệm đối với những nội dung chưa làm được, Điều 38 của Nghị định 54/2014/NĐ-CP quy định: Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao. Đây là một điểm mới quan trọng của Nghị định mà trước đây Nghị định 74/2006/NĐ-CPchưa hề đề cập đến.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Theo Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Thủ trưởng các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bên cạnh đó, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự,… nhưng chưa quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh trên.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Điều 12 Nghị định 54/2014/NĐ-CP đã quy định rõ và ghi nhận về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Quy định mới về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Tư pháp.
Trước đây, tại Nghị định 74/2006/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về vấn đề xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Tư pháp, nhưng Nghị định 54/2014/NĐ-CP đã khắc phục được tình trạng chồng chéo về thẩm quyền thanh tra, kế hoạch thanh tra. Theo quy địnhtại Điều 40 của Nghị định 54/2014/NĐ-CP: Trong trường hợp kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp chồng chéo với kế hoạch thanh của Thanh tra Sở Tư pháp thì thực hiện theo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp; Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực với Thanh tra Sở Tư pháp; Chánh Thanh tra Sở Tư pháp báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra với các cơ quan thanh tra của địa phương; Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Tư pháp với các cơ quan thanh tra của địa phương.