Tư pháp Hà Tĩnh: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được tập trung triển khai, thực hiện

 

Xây dựng nông thôn mới là một bộ phận, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đã được khẳng định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 Khóa X. Gắn liền với thực hiện Nghị quyết, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và của Tỉnh, Ngành Tư pháp Hà Tĩnh đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nên tập trung triển khai, thực hiện. Điều đó đã được thể hiện rõ nét ở kết quả Ngành đã đạt được trong 10 năm thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

 

Vai trò của Ngành Tư pháp trong tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

 

Từ năm 2017, Giám đốc Sở Tư pháp là thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh (nay là Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và mỗi xã một sản phẩm tỉnh). Đã tích cực tham gia tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh trong triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh về nông thôn mới; kiểm tra, đánh giá và công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, đề xuất huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới;… Thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong toàn Ngành Tư pháp.

 

Ở cấp huyện, có 12/13 Lãnh đạo phòng Tư pháp là thành viên của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, thành phố, thị xã (hiện nay Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh không tham gia Ban Chỉ đạo) và ở xã, hầu hết Công chức Tư pháp - Hộ tịch đều tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của địa phương. Về cơ bản đã phát huy tốt vai trò của mình trong tham mưu cho Ban Chỉ đạo cùng cấp triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực Tư pháp; năng nổ, sâu sát với địa bàn được phân công phụ trách. Nhiều cán bộ Tư pháp ở cơ sở đã tiên phong đi đầu trong xây dựng các mô hình mẫu, có sức lan tỏa, động viên, cổ vũ Nhân dân cùng thực hiện. Đơn cử như: Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) đã được tỉnh công nhận với mô hình vườn mẫu 2.000 m2 , thu nhập đạt 65 - 70 triệu/năm.

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân về xây dựng nông thôn mới

 

Thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh và cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về xây dựng nông thôn mới (cụ thể tại các Quyết định, Kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác Tư pháp hàng năm, giai đoạn của UBND tỉnh); hàng Quý tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành “Hướng dẫn Quý công tác PBGDPL” gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã, trong đó đã hướng dẫn tập trung tuyên truyền các quy định về xây dựng nông thôn mới. Tổng cộng đến nay Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 Quyết định, 10 Kế hoạch và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành 33 Hướng dẫn Quý.

 

Ngoài phát huy tốt các hình thức như Trang thông tin điện tử, Bản tin Tư pháp Hà Tĩnh, Chương trình truyền hình Pháp luật và Đời sống, cấp phát tài liệu, tờ gấp, tờ rơi,… để kịp thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ và Nhân dân, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các Hội nghị tập huấn trực tiếp tại các xã xây dựng nông thôn mới như Hương Liên, Phúc Trạch (huyện Hương Khê), Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh),… Hội thi “Thanh niên với pháp luật về xây dựng nông thôn mới” do Sở Tư pháp chủ trì tổ chức tại xã Phúc Trạch trong năm 2013 là Hội thi đầu tiên trên địa bàn tỉnh về xây dựng nông thôn mới được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, có sức lan tỏa, được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và các ngành, địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

 

Năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2018 với sự tham gia của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thông qua Hội thi ngoài tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới, liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người dân ở cơ sở thì các văn bản, chính sách về xây dựng nông thôn mới hiện hành hiện nay của Trung ương và tỉnh ban hành cũng được ưu tiên đưa vào tuyên truyền, phổ biến. Để tổ chức thành công Hội thi, ngoài nguồn ngân sách nhà nước phân bổ, Sở Tư pháp đã huy động sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Bỉ từ Dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh” (RALG Hà Tĩnh) với tổng kinh phí là 452.950.000 đồng. 

 

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp và các cơ quan cấp trên, Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của địa phương tổ chức phổ biến các quy định về xây dựng nông thôn mới. Qua kiểm tra, theo dõi cho thấy, tính từ năm 2010 đến nay, Tư pháp cấp huyện, cấp xã đã phối hợp tổ chức được tổng cộng 6.685cuộc tuyên truyền, phổ biến với 1.337.000lượt người tham gia. Đồng thời đã tham mưu tuyên truyền, phổ biến các quy định về xây dựng nông thôn mới thông qua các hình thức phù hợp như tổ chức “Sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng”; sinh hoạt câu lạc bộ; xây dựng tài liệu;… Hệ thống loa truyền thanh cấp xã định kỳ hàng tuần đều có chương trình tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến có thể kể đến như phòng Tư pháp thị xã Kỳ Anh, phòng Tư pháp huyện Lộc Hà, phòng Tư pháp huyện Đức Thọ, Tư pháp - Hộ tịch các xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh), Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn), v.v…

 

Những hoạt động nêu trên của Sở Tư pháp và Tư pháp cấp huyện, cấp xã đã tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ và Nhân dân về các quy định xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói chung và của các địa phương nói riêng.

 

Công tác xây dựng, thẩm định, góp ý hoàn thiện văn bản, chính sách, đề án về xây dựng nông thôn mới

 

Từ năm 2010 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức góp ý, thẩm định 35 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh quy định trực tiếp hoặc có liên quan đến xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đã tổ chức thẩm định 100% Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh và Quyết định QPPL của UBND tỉnh về thực hiện xây dựng nông thôn mới trước khi được thông qua hoặc ban hành, đơn cử như: Nghị quyết số 45/2012/NQ-HĐND ngày 20/12/2012 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 15/ 2012/QĐ-UBND ngày 12/04/2012 Ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh với văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 07/02/2017 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND ngày 22/5/2019 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020;…. Bên cạnh đó, Sở đã tham gia góp ý 07 Đề án xây dựng các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ và Vũ Quang đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

 

Ở cấp huyện và cấp xã, Phòng Tư pháp và Công chức Tư pháp - Hộ tịch đã tham gia góp ý được tổng cộng 20 lượt văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng, góp ý nhiều chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

Kết quả thực hiện Tiêu chí nông thôn mới Ngành được phân công phụ trách

 

Kể từ năm 2017, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 và của UBND tỉnh tại Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 07/02/2017, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một Tiêu chí xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí 18.5). Để kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện Tiêu chí theo đúng tiến độ xây dựng nông mới của tỉnh, văn trong thời điểm Bộ Tư pháp chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã ban hành Hướng dẫn tạm thời số 82/HD-STP ngày 16/3/2017. Sau khi Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về thực hiện Tiêu chí 18.5 trên địa bàn tỉnh (cụ thể được quy định tại Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh). Ngoài các văn bản này, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 28/7/2017 thực hiện quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; ban hành 14 bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện Tiêu chí 18.5 và 02 văn bản kiến nghị, đề xuất Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến Tiêu chí này.

 

Qua theo dõi, thống kê cho thấy, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp và yêu cầu thực tiễn tại địa phương, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã đã tham mưu UBND cùng cấp ban hành trung bình mỗi đơn vị 15 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Tiêu chí 18.5.

 

Để đảm bảo đầu mối tham mưu cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức thực hiện Tiêu chí 18.5, ngày 27/02/2017, Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 81/STP-PBGDPL đề nghị UBND cấp huyện phân công Phòng Tư pháp và UBND cấp xã phân công Công chức Tư pháp - Hộ tịch là đầu mối tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức thực hiện Tiêu chí này tại địa phương. Đối với Sở Tư pháp, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật được phân công giữ vai trò đầu mối; số điện thoại, email của Phòng đã được cung cấp đến tận cấp xã để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin. Trong các năm 2017 - 2019, Phòng đã tiếp nhận và giải đáp, hướng dẫn kịp thời hơn 350 lượt ý kiến từ cơ sở.

 

Ngoài tổ chức Hội nghị của tỉnh quán triệt, phổ biến các quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tổ chức trong năm 2017), tính đến nay Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã (Phòng Tư pháp trực tiếp tham mưu) tổ chức 13 Hội nghị tập huấn chuyên sâu cho cán bộ tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương. Năm 2018, Sở đã huy động từ Dự án RALG Hà Tĩnh 248.400.000 đồng tổ chức tập huấn cho các xã thuộc thành phố Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh và huyện Hương Sơn; 162.298.000 đồng xây dựng xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh là “Mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”, từ đó nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Các Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức được tổng cộng 272 cuộc tập huấn quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trực tiếp cho từng xã hoặc cụm xã, trung bình mỗi cuộc có hơn 100 người tham gia.

 

Tính đến nay, kết quả thực hiện Tiêu chí 18.5 của các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là rất khả quan, trong đó: 51/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 trở về trước, 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, 33/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, 45/45 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và 19/19 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đợt 1 năm 2019 đạt Tiêu chí. Trong số đó, nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo để đạt được kết quả cao như: Thạch Đồng (thành phố Hà Tĩnh), Nam Hương (huyện Thạch Hà), Xuân Đan (huyện Nghi Xuân), Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ), Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn),…

 

Đối với các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới: Ngoài huyện Nghi Xuân đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2017 với 17/17 xã đạt Tiêu chí 18.5 thì đến nay các địa phương phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2019 - 2020 kết quả thực hiện Tiêu chí cũng rất đáng ghi nhận, đơn cử như: Huyện Can Lộc (phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019) có 21/21 xã đạt Tiêu chí; các huyện Đức Thọ, Lộc Hà và Vũ Quang (phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2020) đều có trên 95% xã đạt Tiêu chí.

 

Công tác đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới

 

Thực hiện sự phân công của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã thực hiện đỡ đầu, góp phần cùng với chính quyền và Nhân dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015; xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Hiện nay Sở đang tập trung thực hiện đỡ đầu xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019. Bên cạnh thường xuyên giữ mối liên hệ, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động đỡ đầu tại các địa phương, nổi bật trong đó như: Đối với xã Phúc Trạch: Tổ chức 01 Hội thi về xây dựng nông thôn mới; tặng 03 Tủ sách pháp luật, 01 bộ máy vi tính; xây dựng 01 nhà tình nghĩa; trao quà tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công;… Đối với xã Xuân Đan: Hỗ trợ xây dựng “Khu vui chơi cho trẻ”; tặng 01 bộ máy vi tính, 01 máy in và 02 tủ đựng tài liệu; tổ chức cho cán bộ, Nhân dân xã tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà;… Đối với xã Bình Lộc: Tặng 01 tủ sách và hơn 300 đầu sách pháp luật mới, 01 bộ máy vi tính và 01 máy in; trao quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 05 xe lăn cho thương binh, bệnh binh và mẹ liệt sỹ; tổ chức cho cán bộ, Nhân dân xã tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại xã Hương Trà, Phúc Trạch (huyện Hương Khê);...

 

Ngoài các xã UBND tỉnh phân công đỡ đầu trên, Sở cũng tích cực hỗ trợ các xã khác trên địa bàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới thông qua các hoạt động như: Tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ Tư pháp; tổ chức tập huấn pháp luật (từ năm 2010 đến nay đã tổ chức 120 cuộc tập huấn tại cơ sở); tổ chức trợ giúp pháp lý (từ năm 2010 đến nay đã tổ chức 570 cuộc trợ giúp pháp lý tại cơ sở; tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân hơn 10.000 vụ việc và cử cán bộ tham gia tố tụnghơn 500 vụ án); tặng 44 máy vi tính, máy in; tủ sách pháp luật; tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công; v.v…

 

Tính từ năm 2010 đến nay, Sở Tư pháp đã huy động được tổng cộng1.480.660.000 đồng(bao gồm tiền và vật chất quy ra tiền) để thực hiện công tác này. Với sự nổ lực đó, năm 2017, Sở Tư pháp được Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng trong thực hiện công tác đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới.

 

Nhiều Phòng Tư pháp đã tích cực tham gia công tác đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới như: Phòng Tư pháp huyện Can Lộc đã huy động hỗ trợ xây dựng 02 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách và hộ nghèo với tổng trị giá 100 triệu đồng, hỗ trợ 12 tủ sách pháp luật cho các xã xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá hơn 25 triệu đồng; Phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân phối hợp với Thanh tra huyện huy động hỗ trợ 16 tủ sách pháp luật cho 16 thôn với tổng trị giá 152 triệu đồng; nhiều cán bộ các Phòng Tư pháp các ngày thứ bảy, chủ nhật đã tham gia hỗ trợ ngày công lao động tại cơ sở.

 

Những kết quả nêu trên, vừa thể hiện sự nổ lực, phấn đấu cao, đồng thời là động lực to lớn để Ngành Tư pháp Hà Tĩnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới trong thời gian tiếp theo./.

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN