Điểm mới về tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong các bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 1143/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1143/QĐ-BTP trong đó có hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong các bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới. Trước đó nhiệm vụ này được thực hiện theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Những điểm mới của Quyết định số 1143/QĐ-BTP so với Quyết định số 1723/QĐ-BTP được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Quyết định này:

Cắt giảm nội dung thành phần đánh giá chỉ tiêu 18.4 về tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Nếu trước đây chỉ tiêu 18.4 về tiếp cận pháp luật được đánh giá trên cả 05 tiêu chí thành phần theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP thì hiện nay theo Phụ lục I kèm theo Quyết định số 1143/QĐ-BTP, việc đánh giá chỉ tiêu 18.4 chỉ căn cứ vào 03/05 tiêu chí đó là: (i) Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn, (ii) Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật và (iii) Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý. Xã được công nhận đạt chỉ tiêu 18.4 khi điểm số của mỗi tiêu chí nêu trên đạt từ 80% số điểm tối đa trở lên. Việc cắt giảm nội dung đánh giá tiêu chí 18.4 so với trước đây nhằm tránh sự trùng lặp nội dung tiêu chí tiếp cận pháp luật với các chỉ tiêu, tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm thiểu hồ sơ trong đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Sửa đổi nội dung mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở trong tiêu chí 16 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025

Nội dung mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở của tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 được hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 1143/QĐ-BTP.

Mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật phải đáp ứng ba yêu cầu, bao gồm: (i) Các chỉ tiêu 3, 4, 5 và 6 thuộc Tiêu chí 2 “Tiếp cận thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật” theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP đạt số điểm tối đa; (ii) Huy động được nguồn lực hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và (iii) Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, có tập thể hoặc cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen hoặc Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì có thành tích xuất sắc về triển khai các giải pháp, sáng kiến trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở phải đáp ứng ba yêu cầu sau đây: (i) Chỉ tiêu 2 thuộc Tiêu chí 3 về Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP đạt số điểm tối đa; (ii) Huy động đội ngũ luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, người đã hoặc đang công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở hoặc hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở và (iii) Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá có tập thể hoặc cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen hoặc Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì có thành tích xuất sắc về triển khai các giải pháp, sáng kiến trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Sở Tư pháp tổ chức thẩm định tiêu chí tiếp cận pháp luật tại các địa phương

 Như vậy, quy định mới đã cắt giảm số chỉ tiêu phải đạt điểm tối đa (chỉ tiêu 1, 2 thuộc Tiêu chí 2 và chỉ tiêu 1 thuộc Tiêu chí 3), đồng thời mở rộng hơn về nội dung huy động các lực lượng hỗ trợ cho công tác hòa giải và nội dung khen thưởng, giúp các địa phương thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện.

Cắt giảm nội dung đánh giá cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 1143/QĐ-BTP hướng dẫn nội dung chỉ tiêu 9.6 về huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới. So với Quyết định số 1723/QĐ-BTP, Quyết định số 1143/QĐ-BTP không quy định các điều kiện chung trong công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chỉ lựa chọn những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp để đánh giá và quy định tiêu chuẩn đạt chuẩn đối với từng nội dung. Cụ thể chỉ tiêu huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 04 nội dung, trong đó tập trung đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện trong các lĩnh vực: xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền; tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý. Các nội dung đánh giá về tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính… như trước đây được quy định tại Quyết định số 1723/QĐ-BTP đã được cắt giảm.

Như vậy về cơ bản các nội dung đánh giá chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong các bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hơn và phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Bên cạnh đó việc không áp dụng điều kiện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định 25/2021/QĐ-TTg để đánh giá chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong các bộ tiêu chí nông thôn mới sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Quyết định số 1143/QĐ-BTP có hiệu lực kể từ ngày 20/6/2024. Nhằm đảm bảo triển khai kịp thời, thống nhất Quyết định này, ngày 27/6/2024, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản số 1295/STP-PBGDPL đề nghị UBND các cấp thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                                 Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bao gồm các quy hoạch được quy định tại Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch. Mặc dù, Luật Quy hoạch có giải thích từ ngữ như quy định nêu trên, tuy nhiên, do một số quy định còn chưa cụ thể nên quá trình thực hiện còn vướng mắc trong việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện lập, thẩm định đối với quy hoạch này.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với mọi người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mang tính thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp của tất cả các cơ quan, tổ chức nhằm làm tăng thêm tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân, tạo cho mọi người dân có ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật và thực thi pháp luật có hiệu quả.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định. Thông qua hoạt động này các văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp được phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý qua đó góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật.
Tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” đã khẳng định: Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm bám sát mục tiêu Đề án.
Xác định số hóa sổ hộ tịch là nhiệm vụ rất quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo phương pháp truyền thống trước đây. Với tầm quan trọng của công tác này, Hà Tĩnh đã tập trung cao độ cho việc số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn, thực hiện nhanh, đúng, có hiệu quả các kế hoạch của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh đã đề ra, tạo tiền đề để hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1143/QĐ-BTP trong đó có hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong các bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới. Trước đó nhiệm vụ này được thực hiện theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Những điểm mới của Quyết định số 1143/QĐ-BTP so với Quyết định số 1723/QĐ-BTP được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Quyết định này: