Tổng hợp các Nghị định Chính phủ ban hành đầu tháng 01/2015
Quy định mới về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan
Theo đó, phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa là các khu vực có ranh giới xác định tại một cửa khẩu được mở trên tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới đất liền.
Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế trong nội địa bao gồm: Khu vực nhà ga sử dụng cho các chuyến tàu liên vận quốc tế đi, đến; nơi hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; sân ga, khu vực kho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Bến bãi và các khu vực sử dụng cho các chuyến tàu hỏa liên vận quốc tế đi, đến và thực hiện các dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Những khu vực có các chuyến tàu hỏa liên vận quốc tế chưa làm thủ tục hải quan, đang chịu sự giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan.
Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu là địa điểm cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan hoặc giám sát hải quan hoặc kiểm soát hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan.
Các nội trên được quy định tại Nghị định số 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 16/02/2015.
Kiểm toán Nhà nước được trích 5% số tiền đã phát hiện
Theo quy định tại Nghị định số 02/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì hàng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước được trích 5% số tiền do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị để sử dụng cho các nội dung sau:
Chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước không vượt quá 0,8 lần lương cấp bậc, phụ cấp chức vụ, vượt khung và phụ cấp nghề nghiệp.
Số kinh phí còn lại sau khi chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức và người lao động thuộc Kiểm toán Nhà nước, được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2015.
Quy định mới về xác định thiệt hại môi trường
Từ ngày 01/03/2015, Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Hội đồng thẩm định chứng cứ, dữ liệu xác định thiệt hại đối với môi trường phải có:
- Ít nhất 30% số thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.
- Ít nhất 30% số thành viên là cán bộ làm công tác quản lý.
- Đại diện chính quyền địa phương nơi thu thập chứng cứ, dữ liệu.
- Đại diện cộng đồng dân cư và các thành phần liên quan khác.
Đồng thời quy định: các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường dẫn đến thiệt hại đối với môi trường diễn ra trước ngày 01/01/2015 mà chưa được bồi thường thì việc xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường theo Nghị định này.
Đẩy mạnh thực hiện dân chủ của cơ quan Nhà nước
Theo quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ (về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập) thì việc tổ chứcHội nghị cán bộ, công chức, viên chức bất thường được thực hiện khi có 1/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị yêu cầu (trước đó phải có 2/3).
Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị phải được công khai.
Thời hạn công khai chậm nhất là 03 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt không quá 05 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành.
Đối với văn bản niêm yết tại trụ sở của cơ quan, đơn vị thì phải thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết.
Mặt khác, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tiếp nhận tài liệu và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại trụ sở làm việc.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25/02/2015.
Hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động
Ngày 12/01/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động.
Cụ thể Nghị định quy định về quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và giải quyết tranh chấp lao động.
Theo Nghị định thì Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau: Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã; Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; Chủ hộ gia đình; Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau: Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động; Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi; Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2015.
Cũng trong đầu tháng 01/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2015/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Mẹ - Tập Đoàn dầu khí Việt Nam.