Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vướng mắc trong đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Trên cơ sở vướng mắc của các địa phương trong công tác đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Bộ Tư pháp tổng hợp và đề xuất, ngày 06/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Văn bản số 3636/BNN-VPĐP để trả lời và hướng dẫn thực hiện thống nhất. Theo đó một số vướng mắc cụ thể trong đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn như sau:

 

- Đối với trường hợp đánh giá xã nông thôn mới được tổ chức trước ngày 31/12 nhưng việc thẩm định, xét, công nhận xã nông thôn mới được tổ chức vào đầu năm sau được xác định là tổ chức đồng thời theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. 

          - Đối với trường hợp tổ chức xét, công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm (ví dụ vào tháng 11, tháng 12) nghĩa là trước thời điểm tổ chức đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề để xét, công nhận xã nông thôn mới. Tuy nhiên, nếu năm trước liền kề xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và muốn sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá thì phải chờ lấy kết quả đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá, để đảm bảo theo đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg.

          - Đối với trường hợp tổ chức xét, công nhận xã nông thôn mới trước thời điểm tổ chức đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì địa phương được sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề. Nếu xã đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào năm trước liền kề nhưng đến thời điểm tổ chức xét, công nhận xã nông thôn mới đã phát sinh trường hợp cán bộ, công chức là người đứng đầu bị kỷ luật do có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ thì cần phải dừng việc tổ chức xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, do không đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (trong đó đã yêu cầu: “Đảng bộ, chính quyền xã được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”; “Tổ chức chính trị - xã hội của xã được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”).

          - Số liệu về kết quả đánh giá mức độ không đạt chuẩn nông thôn mới, không đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, không đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để tổ chức thực hiện xét, thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được xác định là số liệu của năm xét, thu hồi theo quy định tại Điều 21, khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 30 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg.

          Ngoài các nội dung trên, tại Văn bản số 3636/BNN-VPĐP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trả lời kiến nghị liên quan đến việc bố trí nguồn lực thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật và các nội dung liên quan đến đánh giá đạt chuẩn đô thị văn minh /.

                                                                                                  Thiều Chiên

 

BNN

 TIN TỨC LIÊN QUAN