Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở ở thị xã Kỳ Anh, thực trạng và giải pháp
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, thời gian qua UBND thị xã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định những nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của thị xã.
Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL, từ đầu năm Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND thị xã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp gắn với hoạt động tuyên truyền PBGDPL; Phát động phong trào thi đua và đăng ký danh hiệu thi đua trong toàn ngành; Xây dựng kế hoạch, ký kết chương trình phối hợp PBGDPL với các phòng, ngành, cơ quan, đơn vị trong khối và UBND các xã, phường.
Đã thường xuyên tham mưu việc đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Không chỉ phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương, mà chú trọng phổ biến những văn bản quan trọng của địa phương. Các hình thức tuyên truyền PBGDPL được đổi mới, ngày càng đa dạng, thiết thực, như tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị; cung cấp tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền và tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, Nhân dân; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và cổng thông tin điện tử, tuyên truyền trong các nhà trường.... đẩy mạnh tuyên tuyền PBGDPL thông qua mạng xã hội như các trang fanpage của các cơ quan, tổ chức và các nhóm zalo, trong đó phát huy hiệu quả nhóm zalo kết nối bình yên.
Tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở; pháp luật về thừa kế và
nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, được dư luận xã hội quan tâm như: pháp luật về đất đai, nhà ở, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tội phạm; phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, chuyển đổi số, các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cải cách hành chính, pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng...
Kết quả trong năm 2024 đã chủ trì, tham mưu phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức 500 hội nghị tuyên truyền với hơn 74.000 người tham gia. Xây dựng và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp PBGDPL với các cơ quan, đơn vị; định hướng các nội dung tuyên truyền hằng quý; giới thiệu các văn bản pháp luật mới có hiệu lực hàng tháng. Cấp phát hơn 9.000 tài liệu tuyên truyền; 300 sổ tay pháp luật... Đăng tải hơn hơn 2.200 tin bài trên Cổng thông tin điện tử thị xã, Sở Tư pháp, Báo Hà Tĩnh, Cổng thông tin điện tử của các đơn vị và các trang mạng xã hội. Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện truyền thông trợ giúp pháp lý có hiệu quả xã, phường.
Tuyên truyền Luật Nghĩa vụ Quân sự; các quy định pháp luật về quản lý
sử dụng pháo cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn
Tham mưu UBND thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp các đoàn thể tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc thi và đạt nhiều kết quả nổi bật như: Giải nhất cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; giải nhất cuộc thi “Gameshow nhận diện lừa đảo trên không gian mạng”, “cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông” đạt 01 giải ba tập thể và 02 giải ba cá nhân...
Bên cạnh đó, công tác hòa giải cơ sở cũng được Phòng Tư pháp tham mưu UBND thị xã quan tâm chỉ đạo UBND các xã, phường rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải ở cơ sở. Trong năm, tổ chức 04 hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp phát tài liệu, sổ tay hướng dẫn cho đội ngũ hòa giải viên. Quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, hiện nay thị xã gồm 74 tổ hòa giải với 573 hòa giải viên.
Với những kết quả nêu trên, có thể thấy công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở đã được nhiều kết quả tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Kết quả đó đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức pháp luật của cán bộ và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên công tác tuyên truyền PBGDPL và hòa giải ở cơ sở vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế dẫn đến tình hình vi phạm, tội phạm trong một số lĩnh vực và tệ nạn xã hội trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật nhất là trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông; tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên; tội phạm lừa đảo qua không gian mạng trên địa bàn có chiều hướng gia tăng.
Thứ hai, nhận thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm đúng mức. Việc xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên triển khai các hoạt động PBGDPL còn hạn chế, còn thiếu linh hoạt, chưa được chú trọng, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan còn thiếu tính đồng bộ và chưa thật sự chặt chẽ; các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đều hoạt động kiêm nhiệm, đa số là lãnh đạo của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, có thời điểm chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong thực hiện nhiệm vụ chung của Hội đồng mà còn coi đây là nhiệm vụ của cơ quan thường trực là Phòng Tư pháp.
Thứ ba, đội ngũ làm công tác PBGDPL, các báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng chủ yếu là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian, điều kiện nghiên cứu chuyên sâu để thực hiện tuyên truyền. Cán bộ, công chức tham mưu về công tác tuyên truyền, PBGDPL còn thiếu, chưa nhạy bén trong cải tiến phương pháp PBGDPL, làm hạn chế hiệu quả công tác này.
Thứ tư, một số đơn vị xã, phường chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động này, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đa phần là những người đã nghỉ hưu, tuổi cao nên dù có uy tín trong cộng đồng dân cư, đã được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, một số công chức tư pháp và các ngành, đoàn thể liên quan ở xã, phường còn chưa nắm chắc quy định, trình tự thủ tục về công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải về tranh chấp đất đai nên vẫn còn tình trạng khi sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết chưa thấu đáo, đầy đủ nên kết quả hòa giải chưa đạt hiệu quả như mong muốn, dẫn tới phát sinh đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Thứ năm, kinh phí bố trí cho hoạt động PBGDPL chủ yếu do ngân sách Nhà nước bảo đảm, việc xã hội hóa còn rất hạn chế nên còn nhiều khó khăn, nhất là ở cơ sở. Ở xã, phường chưa bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL mà cơ bản chỉ trích trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm của đơn vị để chi cho công tác này nên việc triển khai hoạt động còn bị động, lúng túng, hiệu quả đem lại chưa cao.
Để phát huy hơn nữa công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về PBGDPL và hòa giải ở cơ sở; gắn hoạt động PBGDPL với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức từ cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác này; Coi đây là một trong những nội dung cơ bản, có ý nghĩa quyết định chuyển tải các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước tới mọi người dân, từng bước nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật và trách nhiệm thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý. Xác định rõ nội dung, chương trình phối hợp, tuyên truyền PBGDPL. Đổi mới, đa dạng hoá các hình thức và phương pháp phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn và các điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; lồng ghép công tác PBGDPL với việc thực hiện các kế hoạch chương trình, các phong trào vận động quần chúng một cách thiết thực, có hiệu quả.
Thứ ba, chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, tập trung nội dung trọng tâm liên quan đến các quy định pháp luật về đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng đô thị văn minh, cải cách hành chính, quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, chuyển đổi số… và các quy định có liên quan khác bằng nhiều hình thức như tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, mở chuyên trang/chuyên mục hỏi đáp thông qua kênh phát thanh, truyền hình, thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở, tuyên truyền qua các cổng/trang thông tin điện tử, trang fanpage, các nhóm zalo…
Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải; Tiếp tục phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn trên từng địa bàn.
Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền PBGDPL với việc tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Thứ sáu, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động PBGDPL. Đề nghị các cơ quan, đơn vị cần bố trí một khoản kinh phí bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động PBGDPL. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác PBGDPL nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích, huy động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia công tác PBGDPL.
Thứ bảy, quan tâm công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả cũng như việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt điển hình trong trong tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam được chú trọng thường xuyên.
Võ Thị Như Long
Trưởng phòng Tư pháp thị xã Kỳ Anh