Hà Tĩnh mở đường lớn cho mục tiêu phát triển bền vững

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh đã diễn ra thành công, hoàn thành mục tiêu “kép”, công bố các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh theo quy hoạch; quảng bá tiềm năng phát triển của tỉnh nhà để xúc tiến đầu tư.

Hội nghị càng trang trọng hơn khi được đón Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đại biểu cấp cao, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham dự. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức theo hình thức trực tuyến, hội nghị đã nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Những nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh đã được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân lĩnh hội, tạo thống nhất cao về nhận thức, hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch. Đặc biệt hơn, Quy hoạch tỉnh không chỉ là cơ sở pháp lý cho việc quản lý quy hoạch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Hà Tĩnh, tạo động lực, cơ hội cho tỉnh nhà khơi dậy tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bằng những tình cảm quý báu, sự quan tâm dành cho Hà Tĩnh, đến tham dự hội nghị, các chuyên gia, nhà kinh tế, các tổ chức quốc tế đã định hướng nhiều giải pháp và đề xuất đồng hành cùng Hà Tĩnh thực hiện quy hoạch. Các chuyên gia cũng đánh giá cao những kết quả phát triển của Hà Tĩnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong triển khai lập quy hoạch, thể hiện khát vọng phát triển nhanh, hiện đại, bền vững. GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Sau khi nghiên cứu Quy hoạch tỉnh cùng các thông tin về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực nhận được từ hội nghị, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất hợp tác với Hà Tĩnh đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp, gắn với chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; hợp tác trong xây dựng các mô hình đồng quản lý và chia sẻ lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học, mô hình bảo tồn và khai thác tài nguyên; xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề…”.

GS.TS. Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ chủ đề hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với tỉnh Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư về khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để triển khai Quy hoạch tỉnh.

Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT nhận định: Hội nghị đã diễn ra trong không khí phấn khởi, tràn đầy kỳ vọng vào sự phát triển của tỉnh. Hội nghị đã truyền tải thông tin của quy hoạch kịp thời, chính xác để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy được tầm nhìn, khát vọng phát triển của tỉnh.

Sau hội nghị, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung tất cả các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án có liên quan phù hợp với quy hoạch tỉnh; tập trung tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các đột phá phát triển KT-XH; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để triển khai hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.

Song song với công bố Quy hoạch tỉnh, hội nghị là tiền đề và động lực to lớn để Hà Tĩnh huy động, khơi thông dòng vốn, “trải thảm đỏ” chào đón nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát và đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Xác định xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm trong hiện thực hóa quy hoạch, là nguồn lực cho Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững, hội nghị đã giới thiệu đến các đại biểu, nhà đầu tư về những tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Bên lề hội nghị, đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh.

Là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, QP-AN, là cửa ngõ giao thương trên hành lang kinh tế Đông - Tây, là địa phương có bề dày về lịch sử - văn hóa với nhiều di tích, các danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Hà Tĩnh có nhiều cơ hội cho đầu tư và phát triển. Từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh hôm nay đang tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ logistics và xây dựng NTM bền vững, có môi trường hấp dẫn, thân thiện với doanh nghiệp trong và ngoài nước, được các nhà đầu tư lựa chọn làm “bến đỗ” cho nhiều dự án lớn.

Đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, các doanh nghiệp cam kết sẽ đảm bảo tiến độ triển khai các dự án và chia sẻ mong muốn tiếp tục thực hiện các dự án mới, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân và phát triển KT-XH của Hà Tĩnh.

Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) nhận định: Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tinh thần tôn trọng tiếng nói của các doanh nghiệp FDI, tại hội nghị ở Hà Tĩnh càng chứng tỏ tinh thần đó của Việt Nam. Những chính sách về thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp đã tạo nên sự dịch chuyển từ thành thị ra vùng ven và vùng nông thôn, đây cũng chính là những cơ hội quan trọng cho tỉnh Hà Tĩnh. Với dân số khá đông và các khu công nghiệp đang phát triển, các cơ sở về cảng được mở mang, công nghiệp dăm gỗ, du lịch, thuận lợi kết nối với các nước Lào, Thái Lan… là những điều hấp dẫn các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là với các công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Để các nhà đầu tư nắm rõ định hướng thu hút đầu tư của Hà Tĩnh đã được xác địnhtrên cơ sở Quy hoạch tỉnh, hội nghị đã chuyển tải đến các đại biểu, nhà đầu tư trong và ngoài nước danh sách 122 dự án tỉnh đang kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực.

Trong khuôn khổ hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương cùng các bộ, ngành và các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Quy - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn HBRE chia sẻ: “Năm 2020, Tập đoàn HBRE được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh tại TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh với quy mô 120 MW, tổng vốn đầu tư gần 4.700 tỷ đồng. Cuối tháng 3/2023, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi. Hiện nay, công ty đang phối hợp với UBND tỉnh thực hiện các thủ tục, nếu thuận lợi, tháng 7 này dự án sẽ được triển khai. Đây là dự án điện gió đầu tiên và duy nhất trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay. Cùng với đó, chúng tôi đang quan tâm đầu tư thêm 1 dự án hạ tầng khu công nghiệp tại TX Kỳ Anh. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành, UBND tỉnh để doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư.

Một điểm nhấn của hội nghị là hoạt động trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 9.616 tỷ đồng. Những dự án với con số đầy ý nghĩa, hứa hẹn tạo ra “cú hích” lớn cho sự phát triển của Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Ngoài những dự án đã chấp thuận, hội nghị cũng chứng kiến 25 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 219.000 tỷ đồng. Đây là những dự án quy mô, khi triển khai và đi vào hoạt động sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh nhà.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định: “Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh. Hệ thống chính trị các cấp của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, kết nối số; thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…”.

Theo Nguồn baohatinh.vn

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Chiều 26/3, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023”. Điểm cầu trung tâm ở Hà Nội do Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, tham gia hội nghị có 28 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Thực hiện Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an về trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự; Kế hoạch số 04/KH-HĐPH ngày 31/01/2024 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tư pháp chủ trì tổ chức Hội nghị ký kết Kế hoạch liên tịch thực hiện Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự và tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 22/3/2024, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước phổ biến, quán triệt Luật Đất đai năm 2024. Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì..
Với những nội dung đã được học tập, quán triệt, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu ngay sau hội nghị, cấp ủy các cấp trên địa bàn Hà Tĩnh triển khai đồng bộ trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Sáng 18/3, theo chương trình Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp này đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, rà soát phạm vi đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, xuất phát từ tình hình thực tế và tạo điều kiện cho tất cả các Bộ trưởng, Trưởng ngành đều được trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý.
Tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chính phủ đã quyết nghị 10 nội dung, trong đó có 5 dự án luật và 5 đề nghị xây dựng luật.