Hướng dẫn triển khai nội dung trợ giúp pháp lý tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ

Ngày 04/4/2023, Bộ Tư pháp ban hành Văn bản số 1234/BTP-TGPL về việc hướng dẫn triển khai nội dung trợ giúp pháp lý tại nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2013 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Đổi mới, tăng cường tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng các hình thức đa dạng, phong phú bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn để nhiều người dân biết và kịp thời tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật.

Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân

2. Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, chú trọng việc giới thiệu, chuyển gửi vụ việc trợ giúp pháp lý, triển khai hiệu quả Chương trình người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại toà, điểm cầu trong phiên toà trực tuyến. Thực hiện việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước theo Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

3. Tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Tích cực sử dụng các hệ thống thông tin quản lý, phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý; khai thác hiệu quả Cổng/Trang thông tin điện tử phục vụ cho công tác truyền thông trợ giúp pháp lý. Tổ chức triển khai có hiệu quả nội dung trợ giúp pháp lý trong 03 Chương trình mục tiệu quốc gia và các chương trình, đề án khác có nội dung về trợ giúp pháp lý.

4. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương có trách nhiệm chủ động đề xuất, tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý tốt nhất cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.

5. Kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh, trong đó chú trọng bảo đảm cơ cấu Trợ giúp viên pháp lý, số lượng người làm việc tương xứng với vai trò là đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Quan tâm việc tuyển dụng, xây dựng vị trí việc làm, đào tạo nghề, bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên để tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cho Trợ giúp viên pháp lý theo quy định pháp luật. Kiện toàn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

6. Quan tâm bố trí, bổ sung kịp thời thiết bị đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin và vận hành hiệu quả các phần mềm, hệ thống thông tin quản lý trợ giúp pháp lý; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Chi nhánh hoạt động hiệu quả, trong đó có việc tham gia phiên toà trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khoá XV về tổ chức phiên toà trực tuyến./.

Ngọc Trâm

 TIN TỨC LIÊN QUAN