Một số nội dung của Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Ngày 07 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 102/KH- UBND về thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có một số nội dung cơ bản như sau:
Văn bản đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; sự phối hợp, quản lý chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành; kết hợp hài hòa phương châm “bốn tại chỗ” và sự hỗ trợ của Trung ương, các cấp, các ngành; bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của địa phương.
Hai là, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, động lực, mục tiêu, mọi hoạt động đều hướng về người dân để tạo sự đồng thuận; chiến thắng dịch COVID-19 là chiến thắng của Nhân dân. Vận động các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực, hưởng ứng, tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ba là, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ban đầu ngay từ cơ sở, gần nhất, sớm nhất, nhanh nhất; tạo mọi điều kiện thuận lợi để giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi đối với người dân. Vận động, hướng dẫn người dân duy trì thực hiện 5 K và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp, thực hiện tiêm chủng vắc xin toàn dân, miễn phí.
Bốn là, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phòng, chống dịch COVID-19 theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Năm là, tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường năng lực phòng, chống dịch COVID-19 cho các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở. Bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với các biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
Văn bản nêu các mục tiêu cụ thể như sau:
Thứ nhất, về bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19:
Đến hết quý I năm 2022: Hoàn thiện việc tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng (trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm).
Tiêm văc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả, đạt tỷ lệ cao nhất khi có kế hoạch của Bộ Y tế.
Thứ hai, về kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19:
Từ cấp tỉnh đến cấp xã có kịch bản phòng, chống dịch COVID-19.
Tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.
Thực hiện giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 trong từng giai đoạn.
Giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 xuống mức thấp nhất, so với mức trung bình của cả nước.
Thứ ba, về nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cho cơ sở y tế; thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến huyện:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; trạm y tế tuyến xã; bộ phận y tế tại các cơ sở giam giữ, bệnh xá trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được tăng cường năng lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có kế hoạch huy động, phân công các cơ sở y tế trên địa bàn (bao gồm cả cơ sở ngoài công lập) tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
100% người mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Tổ chức tốt việc tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa để tăng tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người mắc COVID-19 và người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19.
Thứ tư, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19 như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi,…được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Thứ năm, bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19:
Mọi người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để hiểu, đồng thuận, tạo niềm tin trong tổ chức thực hiện.
Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều sử dung mã QR để quản lý thông tin người ra vào và hướng dẫn người dân thực hiện việc khai báo thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
100% các cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, kết quả điều trị của các cá nhân.
Thứ sáu, bảo đảm vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống của nhân dân:
100% người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
100% các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp.
100% các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 an toàn; tổ chức học trực tiếp hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; Thực hiện cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch COVID-19; Về nhiệm vụ, giải pháp y tế; Về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội; Về bảo đảm an sinh xã hội; Về tài chính, hậu cần; Bảo đảm vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống của người dân; Về vận động nhân dân và huy động xã hội; Về truyền thông, công nghệ thông tin; Cập nhật, xây dựng và triển khai các kịch bản phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trên nhằm thực hiện tốt mục tiêu chung là: Bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh COVID-19 nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
Văn bản này được thực hiện trong thời gian 02 năm (2022-2023) phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19 và chỉ đạo của Chính phủ theo từng giai đoạn./.
-Hoa Phượng, Sở Tư pháp