Nghị quyết số 66-NQ/TW: Dấu mốc rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Bộ, ngành Tư pháp

 

Chiều 18/5, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học các giải pháp triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết 66).
Hội thảo do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì với sự đồng chủ trì của các Thứ trưởng: Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Tú và sự tham dự của Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Nguyễn Quang Thái cùng Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức đảng, đoàn thể thuộc Bộ.
Về phía khách mời có Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Thị Hạnh; Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Giang Hậu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Kim Yến.
Niềm vui lớn của những người làm công tác xây dựng, thi hành pháp luật
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, sáng cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể là Nghị quyết 66 và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) và nghe giới thiệu, trao đổi một số những nội dung của các Nghị quyết do Quốc hội mới ban hành ngày 17/5. Bộ trưởng khẳng định, đây là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đối với Bộ, ngành Tư pháp,
Theo Bộ trưởng, thời gian triển khai việc xây dựng các văn bản triển rất nhanh với tinh thần rất quyết liệt và Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật cũng như đều khẳng định phải xác định đây là đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng nhắc lại, đúng ngày 30/4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66. Còn ngày 17/5, Chính phủ đã ký Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và cũng ngày 17/5, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 197 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. 
 
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Hội thảo.

“Như vậy, Bộ, ngành Tư pháp đã có ba Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Niềm vui rất lớn, anh em trong Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và những người làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong cả nước”, Bộ trưởng nói và cho rằng những người trực tiếp tham mưu đã nỗ lực vượt bậc.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm đặc biệt để Bộ, ngành Tư pháp có thể xây dựng, ban hành được những nội dung Nghị quyết mang tính chất đột phá, có những cơ chế chính sách mang tính chất đặc biệt. 
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan liên quan, đặc biệt là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, mà trực tiếp là Vụ Tổng hợp của Văn phòng Trung ương Đảng, Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp luật và Tư pháp của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Đồng thời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm của Bộ Tư pháp mà rất may mắn là có đồng chí nguyên Bộ trưởng bây giờ là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này và những cán bộ trực tiếp tham gia vào xây dựng những văn bản này cũng như những đồng chí khác dù không tham gia nhưng rất tích cực chia sẻ các công việc.
Bộ trưởng cũng ghi nhận những khó khăn, vất vả của những đơn vị trực tiếp tham gia như Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, nhất là khi tham mưu những vấn đề liên quan đến tài chính vừa nhạy cảm, vừa phức tạp, chuyên môn rất sâu. 
Hai việc quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lớn, Bộ trưởng cho rằng còn không ít lo lắng. Bởi tới đây, khối lượng công việc rất khổng lồ, có những việc Bộ, ngành Tư pháp chưa làm bao giờ và cần hết sức lưu ý như nhiệm vụ làm Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo. 
Ngoài ra, có những việc mới hoàn toàn, khác với suy nghĩ lâu nay của Bộ, ngành Tư pháp là tập trung cho công tác xây dựng pháp luật theo đúng nghĩa xây dựng pháp luật. Bộ trưởng ví dụ, phải tìm ra điểm nghẽn trong bối cảnh hiện nay và Bộ, ngành Tư pháp phải có những phương án, cách thức xử lý khác với thông thường, thậm chí khác cả những gì đã được học. Nêu lại ý kiến của Tổng Bí thư về bộ tứ trụ cột hay Thủ tướng nói là bộ tứ chiến lược (gồm Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68), Bộ trưởng nhắc nhở, tất cả mọi việc phải triển khai đồng bộ, khẩn trương, phải làm cùng lúc rất nhiều việc.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị, Bộ Tư pháp trước hết có hai việc phải hết sức lưu ý trong hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và các Nghị quyết liên quan. Một là phải tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm. Hai là phải đổi mới tư duy hơn nữa.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi,  tích cực đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và các Nghị quyết liên quan.
Lắng nghe các ý kiến góp ý, kết luận Hội thảo, Bộ trưởng chia sẻ, công việc sẽ rất nhiều và đều là việc gấp. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải rà soát lại các nhiệm vụ, không chia nhỏ các đầu việc. Trong đó, có những nhiệm vụ phải nâng cấp, có những việc hiện đang làm thì cần tiếp tục làm, có những nhiệm vụ có thể không có nhưng không phải cứ “không có là không làm”; đồng thời không đưa vào dự thảo Chương trình hành động những nhiệm vụ không có giá trị gia tăng.
Cho biết lãnh đạo Bộ sẽ phân công đơn vị chủ trì đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng yêu cầu, cần đặt ra mục tiêu thật thách thức, thật cao để mỗi đơn vị phải vượt qua, để đưa ra hàng loạt nhiệm vụ triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng và thi hành pháp luật, các đơn vị phải rà soát lại hết các cơ sở dữ liệu, mạnh dạn cắt bỏ những cơ sở dữ liệu không còn hợp lý để tập trung xây dựng những cơ sở dữ liệu thực sự cần thiết.
 
* Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Phải đặc biệt quan tâm khâu tổ chức thực hiện
Nghị quyết 66- NQ/TW là văn bản mang tính đột phá chiến lược tạo thuận lợi cho Bộ, ngành Tư pháp. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm khâu tổ chức thực hiện, trước hết là quán triệt sâu sắc đến Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức pháp chế. Nghị quyết 66 đã có nhiều cơ chế tốt về tài chính cho xây dựng và thi hành pháp luật, tuy nhiên cần phải nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác này.

 
Trong một số nhiệm vụ theo Phụ lục triển khai của Chương trình hành động, cần phải rà soát thật kỹ để giao cho đơn vị chủ trì cũng như phối hợp đảm bảo hiệu quả công việc. Nên căn cứ vào từng loại việc để giao cho các đơn vị xây dựng pháp luật tương ứng chủ trì, tránh dồn việc vào một số đơn vị và không phù hợp chức năng, nhiệm vụ.

* Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc: Phải rõ cơ sở nhận diện điểm nghẽn thể chế
Phải rõ cơ sở nhận diện điểm nghẽn thể chế chứ không nên cảm tính. Điểm nghẽn như Đảng, Nhà nước đã nhận diện và đang chỉ đạo thực hiện là phải cởi “nút thắt” để phát triển kinh tế. Bất cập của thể chế phải bám sát cơ sở: đánh giá hiện trạng yếu kém của hệ thống pháp luật hiện nay và thứ 2 là quan điểm định hướng và tư duy của Đảng đã thể hiện rõ trong Nghị quyết 66, 68 và nhiều văn bản pháp luật.
 

Cần bám sát chỉ đạo của Đảng là xoá bỏ tư duy không quản được thì cấm, xoá bỏ triệt để cơ chế xin - cho dẫn đến chồng chéo, thủ tục rườm rà. Thứ ba là trong phân cấp phân quyền, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm: phân cấp mạnh cho địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm. Phải phân cấp toàn diện. Thứ 4 là phải rà soát nội dung còn chồng chéo giữa các luật. Thứ 5 rà soát lại các quy định trên quan điểm chỉ đạo không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự… Phải tháo các “nút thắt” là lực cản để khơi thông nguồn lực.

* Thứ trưởng Mai Lương Khôi: Cần thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số
Dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp cần rà soát lại các nội dung, nhiệm vụ, rõ hơn về các giải pháp thực hiện.
Liên quan đến nguồn nhân lực hiện còn đang thiếu cần bổ sung nội dung tập huấn bồi dưỡng. Đây là công việc rất quan trọng cho đội ngũ xây dựng pháp luật. Vì hiện nay nhiều đơn vị làm công tác quản lý, tham gia rất nhiều dự án xây dựng pháp luật nhưng chưa tham gia bồi dưỡng tập huấn. Trong khi đó có rất nhiều dự án luật khó, nhạy cảm.
 

 
Về chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật cần bám sát, phản ánh đúng, đủ theo tinh thần của Nghị quyết 66, trong đó có đổi mới áp dụng ứng dụng công nghệ trong xây dựng pháp luật. Cần nhận diện rõ việc nào chúng ta đang làm hay làm rồi, nội dung gì mới. Cùng đó làm rõ trách nhiệm từng đơn vị, trách nhiệm của Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan. Các đơn liên quan đến chuyển đổi số phải nhận biết đúng mục đích yêu cầu và sản phẩm đầu ra là gì, phục vụ cho ai? Hơn ai hết, liên quan đến chuyên môn của mình thì các đơn vị phải biết rõ nhất.
Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số.
 

Một số hình ảnh tại Hội thảo: 
Theo Nguồn https://moj.gov.vn/

 TIN TỨC LIÊN QUAN