Phổ cập chữ ký số cá nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế số

Theo các chuyên gia, chữ ký số cá nhân giúp giải quyết tất cả các giao dịch điện tử cần xác thực danh tính của người dùng. Vì vậy nó sẽ là thành phần không thể thiếu trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Lời tòa soạn: Để thúc đẩy chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, phát triển kinh tế số và hình thành các công dân số, việc phổ cập chữ ký số cá nhân là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT. Với mong muốn giúp độc giả biết đến những lợi ích để từ đó chọn dùng chữ ký số khi chuyển hoạt động lên mạng, VietNamNet thực hiện tuyến bài “Làm gì để mỗi người dân có 1 chữ ký số?”

Cả nước mới chỉ có trên 483.000 chứng thư số cá nhân

Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử đã được xác định là một giải pháp quan trọng. 

Việc triển khai sử dụng chữ ký số đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân như tăng cường bảo mật; giảm chi phí hoạt động, cải thiện năng suất; nâng cao trải nghiệm người dùng. 

Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT, trên khắp thế giới, luật pháp đang bắt kịp với việc áp dụng ngày càng nhiều chữ ký số. Ở nhiều quốc gia, hồ sơ điện tử và chữ ký số hiện được coi như bất kỳ loại dữ liệu điện tử nào khác và được chấp nhận như hồ sơ trên giấy.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2022, số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.Tính đến cuối năm ngoái, cả nước đã có 23 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng).

Tuy vậy, theo thống kê của NEAC, trong khi 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số với các giao dịch chủ yếu là kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…, tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số vẫn còn rất khiêm tốn.

Ty lệ chứng thư số phân theo đối tượng giai đoạn 2018 - 2022. (Nguồn ảnh: NEAC)

Cụ thể, tính đến tháng 5/2023, trên toàn quốc, có gần 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong đó gần 1,6 triệu chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức và 483.675 chứng thư số cá nhân, chiếm tỷ lệ lần lượt là 76,74% và 23,25%.

Để gỡ “nút thắt” về ứng dụng chữ ký số cá nhân, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, trong hơn 2 năm qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là NEAC đã thực hiện các bước cần thiết cho việc cung cấp chứng thư số theo mô hình ký số từ xa. Tính đến cuối năm ngoái, Bộ TT&TT đã cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số theo mô hình ký số từ xa cho 7 CA công cộng và ký số trên thiết bị di động (SIMPKI) cho 2 CA công cộng. 

Phương thức ký số từ xa hoặc ký số trên thiết bị di động cho phép người dùng có thể ký trên nhiều thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay. Đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ tạo sự bùng nổ chữ ký số cá nhân, sau khi được tích hợp vào các nền tảng thanh toán hoặc các ứng dụng trong giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, thuế thu nhập cá nhân.

Hướng tới mục tiêu mỗi người dân có 1 chữ ký số

Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Chiến lược cũng xác định triển khai ký số từ xa theo hướng ưu tiên phổ cập việc sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân một cách đơn giản, thuận tiện, an toàn là 1 nhiệm vụ trọng tâm. 

Chữ ký số là một bộ phận quan trọng của hạ tầng số, giúp các giao dịch trên môi trường số được đảm bảo an toàn. (Ảnh: T.Hồng)

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam nhận định, thời gian qua, thị trường chữ ký số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, sẵn sàng cho việc phổ cập chữ ký số đến toàn dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

“Hạ tầng số đã được xác định phải đi trước một bước. Danh tính số và chữ ký số là những bộ phận quan trọng của hạ tầng số. Việc phổ cập chữ ký số toàn dân có tầm quan trọng lớn đối với tiến trình chuyển đổi số, sự phát triển kinh tế số và xã hội số”, ông Nguyễn Khơ Din chia sẻ.

Tuy vậy, theo phân tích của ông Nguyễn Khơ Din, việc phổ cập chữ ký số tới toàn dân có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, 3 yếu tố mang tính then chốt là quy định, chính sách hiện còn thiếu, cơ quan nhà nước đang tích cực chỉnh sửa và ban hành; các dịch vụ tiếp nhận chữ ký số cần đẩy mạnh hơn nữa; đơn vị cung cấp dịch vụ cần tiếp tục đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu.

Ở góc độ của chuyên gia bảo mật, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty NCS nhấn mạnh, chữ ký số cá nhân giúp giải quyết tất cả các giao dịch điện tử cần xác thực danh tính của người dùng, vì vậy nó sẽ là thành phần không thể không có trong phát triển kinh tế số

Cụ thể, việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính. Đồng thời, đảm bảo thông tin không bị xóa sửa trên đường truyền; nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của các giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, chữ ký số cá nhân còn có thể ứng dụng để thay thế việc xác thực bằng mã OTP trong các giao dịch ngân hàng, tài chính, với tính bảo mật cao hơn.

“Nếu mỗi người dân có 1 định danh số và 1 chữ ký số, chúng ta tiến dần tới xã hội không giấy tờ. Theo đó, phần lớn các thủ tục có thể thực hiện qua mạng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy tương đương giấy tờ in. Khi các hoạt động kinh tế, xã hội đều được thực hiện qua mạng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, phát triển các ứng dụng số cũng như đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu số. Đó sẽ là một cuộc cách mạng về chuyển đổi số toàn diện cho tất cả người dân”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Theo Vietnamnet.vn

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 14/11/2023, Microsoft đã phát hành danh sách bản vá tháng 11 với 63 lỗ hổng an toàn thông tin trong các sản phẩm của mình. Bản phát hành tháng này đặc biệt đáng chú ý vào các lỗ hổng an toàn thông tin có mức ảnh hưởng cao và nghiêm trọng
Chiều tối 6/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 10-2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Thời gian qua, nhiều website của cơ quan nhà nước bị lợi dụng để cài cắm, đăng tải, chuyển hướng hoặc liên kết với nội dung quảng cáo không phù hợp, như: game bài, cờ bạc… Đặc biệt, hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia tiếp tục ghi nhận có 28 đơn vị còn tồn tại website bị lợi dụng để tải lên số lượng lớn tệp tin có nội dung độc hại, tăng gần gấp đôi so với tháng trước...
Hiện nay, với nguồn tài nguyên khổng lồ, mạng internet bao gồm cả hàng nghìn trang web không đáng tin cậy (hay thậm chí là nhiều hơn). Trừ khi bạn luôn đề cao cảnh giác trước những dấu hiệu, việc phát hiện những trang web giả mạo và lừa đảo có thể khá khó khăn.
Sáng 20/10, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 27 - NQ/TW. ​Hội thảo có sự tham gia của ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, đại diện các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, đoàn thể, trung ương, Bộ Tư pháp, đại diện các sởTư pháp các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên,…
Hiện nay, tình hình an toàn an ninh thông tin mạng trong nước và quốc tế đang có diễn biến phức tạp, các đơn vị chuyên trách về an toàn an ninh thông tin mạng liên tục đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị về công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng. Ngày 10/10/2023, Microsoft đã phát hành các bản vá tháng 10 với 103 lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của mình. Bản phát hành tháng này cảnh báo các lỗ hổng bảo mật đáng chú ý như: Cho phép đối tượng tấn công thu thập thông tin về mã băm; cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa; cho phép đối tượng tấn công thực hiện nâng cao đặc quyền.