Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)

Chiều 26/11/2024, tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi).

Luật quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Đối với giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.

Theo đó, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 02 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng; hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo quy định của Chính phủ.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025./.

                                                                                      Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Thực hiện Kế hoạch số 551/KH-HĐND ngày 18/10/2024 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về chuẩn bị Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 19/11/2024 Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 637/TB-HĐND triệu tập kỳ họp thứ 23.
Ngày 22/11/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 559/KH-UBND về Triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030.
Chiều 26/11/2024, tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi).
Sáng ngày 22/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp. Hội nghị do đồng chí Ngô Xuân Ninh - Phó Giám đốc Sở chủ trì, với hơn 100 đại biểu tham dự, bao gồm thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đại diện Lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, huyện, các tổ chức giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh.
Sáng ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm đánh giá tình tình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh nhằm trao đổi những vướng mắc và những kinh nghiệm, giải pháp trong quá trình thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định liên quan.