Tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi thực hiện quyết định giá đất cụ thể

Theo quy định tại khoản 3 điều 114 Luật Đất đai 2013: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định".

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này của Luật Đất đai còn vướng mắc do điều kiện nhân lực của Sở Tài nguyên và Môi trường còn hạn chế; Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi đó số lượng hồ sơ thẩm định của tỉnh nhiều nên khó khăn trong việc xây dựng, thẩm định giá đất cụ thể trên địa bàn toàn tỉnh theo các quy định của Luật Đất đai hiện hành.

Để khắc phục tình trạng này, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương UBND tỉnh đã thực hiện ủy quyền quyết định giá đất cho UBND cấp huyện, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để được khó khăn trong quá trình thực hiện xác định giá đất cụ thể. Vì theo quy định nêu trên UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể, còn việc xác định giá đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; thẩm định giá đất thuộc Hội đồng thẩm định giá đất nên UBND tỉnh không thể ủy quyền xác định giá đất và thẩm định giá đất do nhiệm vụ này không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Đây là vướng mắc không chỉ ở Hà Tĩnh mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 6/5/2023 của Chính phủ về việc uỷ quyền quyết định giá đất cụ thể đã tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện quyết định giá đất cụ thể.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của địa phương thực hiện uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cụ thể:

- Quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

- Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

Nghị quyết cũng yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể được uỷ quyền theo quy định trên; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã uỷ quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình uỷ quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Việc ủy quyền này được thực hiện từ ngày 6/5/2023 đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành./.

                                                                                                          Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
Ngày 15/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ, phát triển cụm công nghiệp như sau:
Ngày 14/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND Triển khai Quyết định số 1334/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”.
Ngày 30/01/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024-2030” (có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành), trong đó gồm 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Ngày 15/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Ngày 12/3/2024, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định 168/QĐ-BNV công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.