Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách

Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Chỉ thị nêu rõ: Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.

          Thời gian qua công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng thực thi và hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

          Tại Chỉ thị này,  Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung như sau:

          - Thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.

           -  Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương.

          - Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

          - Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.

          - Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

          Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho một số cơ quan có liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính,  Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí. Trong đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tốt Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có tăng cường truyền thông chính sách./.

                                                                                                   Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới; quy định, chính sách nào tốt nhất cho đất nước thì cương quyết làm.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tư pháp kể từ 1/9/2024.
Sáng ngày 04/9/2024, Sở Tư pháp tổ chức Lễ Chào cờ và sinh hoạt Ngày pháp luật tháng 9 năm 2024. Tham dự buổi Lễ có Ban Giám đốc và toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp.
Thư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh gửi các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2024).
​Ngày 26-8, tại kỳ họp bất thường lần thứ 8, với 426/426 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà. Ông Nguyễn Hải Ninh giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay cho người tiền nhiệm là ông Lê Thành Long - hiện đang là Phó Thủ tướng Chính phủ.