Thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch

Thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch luôn được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng, nhất là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã được quan tâm và có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước tiến tới chuyển đổi số trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, tham mưu ban hành hoặc chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chứa những nội dung mang tính định hướng, đón đầu việc chuyển đổi số trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
Đến nay, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với hơn 25 nghìn tài khoản người sử dụng ở cả 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Bên cạnh việc kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống còn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn trên môi trường điện tử...
Tính đến ngày 31/12/2022, Hệ thống đã có gần 36 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có hơn 8 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; hơn 8 triệu dữ liệu kết hôn; hơn 7 triệu dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 6 triệu dữ liệu khai tử; 236.858 trường hợp nhận cha, mẹ, con; 15.921 trường hợp đăng ký giám hộ; 12.705 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 734.040 dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; 63/63 tỉnh, thành phố tham gia liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, hơn 4 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, công tác số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử là một trong những nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Sau khi hoàn thành, các dữ liệu hộ tịch lịch sử sẽ được chuyển đổi vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và mang lại nhiều lợi ích. Đến nay, đã có hơn 2/3 số tỉnh, thành phố đã thực hiện số hóa sổ hộ tịch. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, các địa phương đã tiến hành số hóa 29.393.873 dữ liệu trong 2.524.892 sổ hộ tịch và chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc hơn 22.020.938 dữ liệu; hiện còn hơn 62 triệu dữ liệu cần số hóa...
Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hướng tới chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ. Như: Lượng người dùng và dữ liệu tăng nhanh, thiết kế ban đầu chưa tính toán đầy đủ dẫn đến hiệu năng hệ thống chậm, tính ổn định của Hệ thống chưa cao; ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch cho công dân. Đặc biệt, khi một số địa phương đang thực hiện số hóa sổ hộ tịch, hệ thống không đáp ứng được yêu cầu xử lý và lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu lịch sử này.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch của nhiều địa phương cũng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả triển khai trên toàn quốc. Các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa hoàn thiện; cơ chế kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch với cơ quan quản lý dữ liệu chuyên ngành khác (như bảo hiểm, thuế, giáo dục...) chưa hình thành; việc thực hiện nhiệm vụ số hóa còn một số khó khăn…
Vì vậy, trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiện nay, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định có liên quan đến thủ tục đăng ký hộ tịch (thành phần hồ sơ, tiếp nhận, trả kết quả) theo quy định tại Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, tạo cơ sở pháp lý triển khai toàn diện việc đăng ký hộ tịch trực tuyến một cách toàn diện.
Tập trung nguồn lực triển khai Dự án “xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”, bảo đảm các mục tiêu nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch (bao gồm cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong nước và tại các cơ quan điện diện của Việt Nam ở nước ngoài); có khả năng tiếp nhận thông tin điện tử từ các hệ thống của bộ, ngành khác phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, hướng tới việc giảm giấy tờ cho người dân khi thực hiện đăng ký thủ tục hành chính về hộ tịch.
Các Bộ, ngành đẩy nhanh việc xây dựng giải pháp tổng thể kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu quản lý của các cơ sở dữ liệu, phù hợp với các quy định của pháp luật về hộ tịch, pháp luật về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Theo Công thông tin Bộ Tư pháp

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 9/CT-TTg ngày 23/2/2024 yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Trong năm 2024, TP.HCM sẽ thực hiện hiệu quả chuyển đổi số gắn liền với Đề án 06 và Nghị quyết 08; yêu cầu các sở ban ngành bám sát chỉ đạo của Trung ương, phấn đấu đến cuối 2025, các hoạt động hành chính của Thành phố sẽ thực hiện trên nền tảng số…