Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thông tư này quy định các nội dung về lĩnh vực giám định tư pháp; Quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp; Thời hạn giám định tư pháp; Tiêu chuẩn về giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; Quy trình tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bao gồm: Giám định tư pháp về trồng trọt và bảo vệ thực vật; Giám định tư pháp về chăn nuôi và thú y; Giám định tư pháp về lâm nghiệp;Giám định tư pháp về diêm nghiệp; Giám định tư pháp về thủy sản;Giám định tư pháp về thủy lợi; Giám định tư pháp về phòng, chống thiên tai; Giám định tư pháp về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; Giám định tư pháp về ngành, lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp, theo quy định tại Điều 6 Thông tư này quy định, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam được lựa chọn, xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012, bao gồm:

1. Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012.

2. Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam.

3. Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp mà người đó được bổ nhiệm.

Thông tư  có hiệu lực thi hành kể từ ngày  20 tháng 02 năm 2023. Thay thế Thông tư số 49/2014/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

          Trần Thị Thúy Vinh

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 19/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 531/QĐ-TTg ban hành Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, Quyết định quy định về bí mật Nhà nước độ Tối mật và bí mật Nhà nước độ Mật như sau:
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, vừa qua Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đây là quy định mới được bổ sung tại Thông tư số 18/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại khoản 3 điều 114 Luật Đất đai 2013: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định".
Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.