Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hà Tĩnh hiện nay
Hà Tĩnh là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Bắc Trung bộ với tổng diện tích tự nhiên trên 6.000 km2 , có đồng bằng, miền núi và vùng biển ngang. Tổng dân số của tỉnh là hơn 1,2 triệu người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số (99%), ngoài ra còn có dân tộc Mường, Thái, Chứt, Lào. Cùng với sự phát triển chung của cả nước, thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được bảo đảm, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, việc phát triển, hội nhập kinh tế cũng đã đặt ra cho Hà Tĩnh nhiều vấn đề cần phải giải quyết về an ninh trật tự, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, nhiều vụ việc khiếu kiện khiếu nại tập thể liên tục, kéo dài, có chiều hướng ngày càng phức tạp đặc biệt là sau sự cố môi trường do Fomosa gây nên. Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu của Tỉnh đến năm 2020 là “đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại”. Để thực hiện thành công mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được Tỉnh đề ra, trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo tổ chức thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật. Để đạt được điều này, yêu cầu trước hết là phải thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) vì đây là khâu đầu tiên, quan trọng của quá trình thi hành pháp luật.
Thực trạng công tác PBGDPL trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Tĩnh, trong 04 năm triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, cụ thể hóa các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh đã tập trung hoàn thiện thêm một bước thể chế về công tác PBGDPL; cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm thường xuyên chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận được khẳng định và phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, vận động động quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật. Các hoạt động giám sát, kiểm tra được tăng cường, qua đó, đã phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật và kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục...
Kết quả thực hiện được phản ánh cụ thể, đó là: Tính từ ngày 01/01/2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 21.346 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp với 1.855.013 người tham gia; tổ chức 1013 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 967.473 người tham gia, phát hành miễn phí 1.279.040 tài liệu, đăng tải 17.623 tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung PBGDPLngày càng đa dạng,được chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ sở, từ đó hướng tập trung ưu tiên tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mới ban hành, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, hình sự, kinh tế, kinh doanh, việc làm của các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân; nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân từng bước được nâng lên. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới. Các hình thức được sử dụng hiệu quả như: Thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức hội nghị, hội thảo, sinh hoạt Ngày Pháp luật; thông qua hòa giải cơ sở, câu lạc bộ pháp luật; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cấp phát tài liệu miễn phí; Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý… Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được củng cố, kiện toàn; nhiều cán bộ làm công tác PBGDPL đã được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Những kết quả này đã góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan nhà nước và công dân; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy nhiệm vụ pháp triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cườnghiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL ở Hà Tĩnh đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chủ yếu đó là:
Thứ nhất,Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương về công tác PBGDPL chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này do đó một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác PBGDPL; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thực sự chặt chẽ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm phối hợp trong công tác PBGDPL.
Hai là,việc PBGDPL nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính phong trào, hình thức, đơn điệu, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự đi sâu vào những nội dung pháp luật thiết yếu, sát thực mà người dân cần, người dân quan tâm; hình thức PBGDPL chưa thực sự đa dạng, phong phú, chưa thu hút được sự tập trung chú ý của người dân.
Thứ ba,một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chuyên môn, nghiệp vụ còn có nhiều hạn chế và kỹ năng PBGDPL chưa được chú trọng, dẫn tới hoạt động PBGDPL chưa thực sự hiệu quả.
Thứ tư, chưa có tiêu chí để đánh giá, xác định hiệu quả công tác PBGDPL, nên việc tự đánh giá, đánh giá, nhận xét cũng như giải pháp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL còn mang tính chung chung, chưa cụ thể.
Năm là,việc huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL chưa được tiến hành một cách đồng bộ và rộng khắp. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL còn mỏng và hầu hết là kiêm nghiệm, chưa toàn tâm, toàn ý đầu tư thời gian và trí tuệ cho công tác PBGDPL. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này còn rất hạn hẹp, nhất là ở các huyện miền núi và các huyện biển ngang.
Sáu là, việc thực hiện pháp luật của một số cán bộ và Nhân dân chưa đầy đủ, nghiêm minh và triệt để. Nhiều người dân có biểu hiện hoặc là coi thường pháp luật, hoặc là chưa thực sự tin tưởng vào sự công bằng, vào lẽ phải, vào sự công minh của pháp luật. Đơn cử như trong sự cố môi trường biển FORMOSA, một bộ phận người dân do không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật nên đã có hành vi vi phạm pháp luật. Một số có thói quen sống thụ động nên hầu như không biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm, mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi bản thân đều chờ đợi các cơ quan nhà nước giải quyết, xử lý…
Một số giải pháp nâng cao hiểu quả công tác PBGDPL
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế - quốc tế của tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đề xuất cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, cần tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản khác có liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong thực hiện công tác PBGDPL. Tuyên truyền, PBGDPL “là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị”; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thì mọi cấp, mọi ngành đều phải thực hiện công tác này. Không đánh đồng giữa quản lý nhà nước về công tác PBGDPL với trách nhiệm thực hiện công tác PBGDPL. Ở Hà Tĩnh, cá biệt vẫn còn có tình trạng xem việc thực hiện công tác PBGDPL là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp, từ đó dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm.
Cần phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện công tác PBGDPL. Một mặt là trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật; mặt khác là tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng là một giải pháp để Hà Tĩnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Đồng thời, phát huy tốt vai trò chủ động, sáng tạo của hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện công tác này. Bảo đảm cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được phổ biến kịp thời, đầy đủ đến toàn thể cán bộ và Nhân dân. Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của toàn thể cán bộ và Nhân dân; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là,cần ưu tiên xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho công tác PBGDPL. Thời gian qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Tĩnh. Họ được hưởng các chính sách ưu đãi của Tỉnh (như về thuế, đất đai,…), và ngược lại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân này đã có những đầu tư nhất định cho Tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa phổ biến giáo dục pháp luật, đầu tư của các doanh nghiệp cho PBGDPL lại rất hạn chế, gần như chưa được thực hiện. Hiện tại, kinh phí thực hiện công tác này hầu như đều phải do ngân sách nhà nước bảo đảm. Do đó, cần quan tâm xây dựng các chính sách tăng cường xã hội hóa công tác PBGDPL. Một khi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong thực hiện công tác PBGDPL thì chắc chắn rằng công tác này sẽ được đầu tư lớn hơn, hiệu quả vì vậy sẽ cao hơn.
Ba là, chú trọng củng cố, phát huy vai trò của người làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, tổ chức, thường xuyên kiện toàn, bảo đảm đủ thành phần, có quy chế làm việc rõ ràng để hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên tham mưu, hướng dẫn các ban ngành đoàn thể, các đơn vị triển khai các kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp nội dung và tình hình mới. Tăng cường cả về số lượng và chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của cơ quan, đơn vị. Cần có kế hoạch bố trí, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật. Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Bốn là,chú trọng đổi mới thường xuyên về nội dung và hình thức PBGDPL. Cần khắc phục tình trạng một số nội dung PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Cách thức xây dựng nội dung trong các tài liệu tuyên truyền, phổ biến còn cứng nhắc, khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng đặc thù, thiếu sự gắn kết với những tình huống pháp luật thực tế nên chưa tạo được sức hút và khơi dậy ý thức tự tìm hiểu pháp luật trong mỗi người dân. Về hình thức, cần tiếp tục phát huy các hình thức tuyên truyền hiệu quả thời gian qua như thông qua tổ chức hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, cung cấp các tin bài, cấp phát tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, tờ rơi, panô, áp phích, khai thác, tìm hiểu pháp luật qua tủ sách pháp luật, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí.... Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền qua tổ chức sân khấu hóa, các trang wed, mạng xã hội, qua các phiên tòa xét xử lưu động. Ngoài ra, cần lồng ghép việc tuyên truyền, PBGDPL tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Xây dựng và phát huy phương châm mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong cộng đồng. Chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức thi tìm hiểu pháp luật. Đối với hình thức PBGDPL qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cần mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ tư vấn tại trụ sở mà còn đến các thôn xóm, cụm dân cư, tư vấn lưu động hoặc thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
Năm là, tăng cường công tác tuyền truyền, PBGDPL không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho Nhân dân. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là áp dụng pháp luật một cách đúng đắn và nghiêm minh, nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Việc tăng cường tuyên truyền, PBGDPL sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ văn hóa pháp lý của người dân. Hiệu quả tác động này lại phụ thuộc vào trình độ văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ, công chức, phụ thuộc vào việc họ thực thi pháp luật, có thái độ tôn trọng pháp luật, nhất là trong điều kiện xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thì một trong những điều kiện quan trọng là làm sao để người dân được tham gia tích cực vào hoạt động quản lý xã hội bằng pháp luật. PBGDPL góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tính tích cực, đảm bảo hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật trong cả nước.
Sáu là,kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Giữa hai công tác này có mối quan hệ tương tác qua lại với nhau. Qua công tác PBGDPL có thể phát hiện những lỗ hổng trong thi hành pháp luật và ngược lại qua công tác theo dõi thi hành pháp luật sẽ phát hiện được những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác PBGDPL. Do đó, trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần quan tâm tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa hai công tác này
Bảy là,cần phải có các phương thức tác động làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của nhân dân đối với pháp luật, chủ động hơn trong tiếp cận pháp luật. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ phải rơi vào những tình thế, sự việc miễn cưỡng liên quan đến pháp luật, lợi ích bị xâm hại...(kiện tụng, tranh chấp, bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế, bị truy cứu trách nhiệm hình sự...).khi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp mà pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích sự giao dịch lành mạnh giữa các thành viên trong xã hội vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định. Pháp luật là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho người giao dịch với nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội phụ thuộc và gắn bó với nhau một cách hợp lý.
Tám là, cần ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tăng cường trách nhiệm của các Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật, làm căn cứ để khen thưởng, kỷ luật, trả kinh phí thực hiện PBGDPL đối với các tổ chức, cá nhân./.
Quốc Tuấn