Bàn về tính thống nhất trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Thứ nhất, về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền

 Khoản 4 Điều 23 của Luật quy định về phạt tiền: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”. Theo đó, tại điểm bkhoản 1 Điều 10 về tình tiết tăng nặngquy định “Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;”, tuy nhiên tại khoản 2 Điều 2Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quanquy định về tình tiết giảm nhẹ là“Vi phạm lần đầu”. Trong trường hợp này, theo Luật hành vi tái phạm được xem là tình tiết tăng nặng, theo quy định của Nghị định thì vi phạm lần đầu được xem là tình tiết giảm nhẹ, vậy trường hợp nào có thể áp dụng mức trung bình của khung như quy định tại khoản 4 Điều 23 của Luật.

Thứ hai, về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Tại khoản 1 Điều 66 của Luật quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Quá thời hạn quy định trên người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.Tuy nhiên, tại Điều 45Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranhthì thời hạn ra quyết định xử lý vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh kháclà 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác; trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn này là 30 ngày. Như vậy, có thể thấy theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, còn Nghị định số 71/2014/NĐ-CP thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, người thi hành pháp luật nếu căn cứ vào thời hạn quy định tại Nghị định sẽ trái với quy định của Luật.

Thứ ba, về lập biên bản xử lý vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 58 của Luật về lập biên bản vi phạm hành chínhthì:  “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Thông tư số 166/2013/TT-BTCngày 15/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì: “Trường hợp, người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế đã được cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra phát hiện, ghi nhận vào biên bản kiểm tra, thanh tra, kết luận thanh tra thì không phải lập biên bản trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ biên bản thanh tra, kiểm tra, kết luận thanh tra thuế để ra quyết định xử phạt”. Việc thay thế biên bản vi phạm hành chính bằng biên bản kiểm tra, thanh tra, kết luận thanh tra liệu có đảm bảo được nguyên tắc khi phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính như nêu ở trên. Mặt khác, thực tiễn cho thấy một cuộc thanh tra, kiểm tra có thể kéo dài đến 45 ngày, do đó trường hợp mặc dù đã phát hiện ra hành vi vi phạm nhưng chưa lập biên bản vi phạm mà phải chờ kết luận thanh tra thì có đảm bảo việc lập biên bản và xử lý kịp thời như đã phân tích ở trên?

Thứ tư, cùng một hành vi hành vi vi phạm hành chính được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp luật.

Cùng một hành vi vi phạm “Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư” tạiđiểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật trự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, tuy nhiên tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc hành vi “vứt rác, đổ rác trên vỉa hè, đường phố” điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng còn điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP phạt từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng…Có thể thấy cùng một hành vi nhưng được điều chỉnh bởi các Nghị định khác nhau và mức xử phạt khác nhau dẫn đến quá trình thi hành pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền hết sức lúng túng.

Từ một số phân tích về sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, với thực tiễn thi hành trong quá trình tham gia hoạt động quản lý nhà nước, tác giả mong muốn trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền sớm có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Đồng thời, mong muốn trong quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản dưới luật các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định tuân thủ nghiêm về các nguyên tắc đã được nêu tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đó là hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật./.

Cẩm Thạch

 TIN TỨC LIÊN QUAN