Các trường hợp hủy kết quả Đấu giá tài sản
Trong hoạt động bán đấu giá tài sản,kết quả đấu giá tài sản là căn cứ để các bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả bán đấu giá tài sản.Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp kết quả đấu giá đều được công nhận, mà ngược lại trong một số trường hợp luật định, kết quả bán đấu giá tài sản sẽ bị hủy.Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cụ thể về các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản và hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản.
1.Các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản
Hủy kết quả đấu giá tài sản được quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản, theo đó kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1:Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Trường hợp 2:Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Trường hợp 3:Người có tài sản đấu giá hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản khi có một trong các căn cứ sau:
- Tổ chức không có chức năng hoạt động đấu giá tài sản mà tiến hành cuộc đấu giá hoặc cá nhân không phải là đấu giá viên mà điều hành cuộc đấu giá, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện;
- Tổ chức đấu giá tài sản cố tình cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật tham gia đấu giá và trúng đấu giá;
- Tổ chức đấu giá tài sản có một trong các hành vi: không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản; không thông báo công khai việc đấu giá tài sản; thực hiện không đúng quy định về bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; cản trở, hạn chế người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá;
- Tổ chức đấu giá tài sản thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
- Tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cuộc đấu giá không đúng quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá theo Quy chế cuộc đấu giá dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Trường hợp 4: Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
Trường hợp 5:Theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước khi có một trong các căn cứ đã nêu tại Trường hợp 3 trên đây.
2. Hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản
Trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo các trường hợp 2,3,4,5 tại Mục 1 bài viết này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện nghiêm túc các quy định về hủy kết quả đấu giá tài sản, đặc biệt là các trường hợp 2,3,4,5 nêu tại bài viết này sẽ góp phần đưa hoạt động đấu giá tài sản ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản./.
Thiều Chiên