Cần nâng cao đạo đức hành nghề Công chứng

Trong thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội cũng như phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng biết được một số trường hợp đã và đang gây bức xúc cho người dân diễn ra ở lĩnh vực công tác tiếp dân đó là một số cán bộ, công chức có hành vi ứng xử không đúng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, có thái độ cửa quyền, hách dịch gây không ít những phiền toái, khó khăn cho người dân, gây mất lòng tin đối với nhân dân, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, của các cấp, các ngành. Những bài học thực tế cho thấy, nhiều sự việc yêu cầu của người dân rất đơn giản nhưng do thái độ làm việc thiếu tinh thần, trách nhiệm không giải thích cho người dân rõ ràng thấu đáo gây bức xúc cho nhân dân, có những trường hợp dẫn đến khiếu kiện không đáng có.

          Trong hoạt động công chứng, công việc tiếp xúc với cá nhân, tổ chức diễn ra thường xuyên, liên tục do vậy công chứng viên cần tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ Tư pháp nhằm giải quyết yêu cầu công chứng một cách nhanh chóng, thuận lợi và đúng pháp luật. Trước hết, công chứng viên cần phải tuân thủ các nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Khách quan, trung thực khi thực hiện công chứng, không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến chất lượng việc công chứng cũng như phân biệt đối xử với người yêu cầu công chứng; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình trong trường hợp việc công chứng dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng; Tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và các quy định của tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng.

Bên cạnh đó, Công chứng viên phải có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp, ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; Không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong quan hệ với người yêu cầu công chứng, Công chứng viên phải tận tâm với công việc, đảm bảo tốt nhất tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời; Giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch. Nếu những trường hợp nào chưa đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu thì hướng dẫn, giải thích cho người dân rõ để bổ sung những giấy tờ, tài liệu, kịp thời hoặc có những việc không đúng với thẩm quyển giải quyết của cơ quan, đơn vị thì hướng dẫn họ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Công chứng viên phải bảo mật các thông tin trong hồ sơ yêu cầu công chứng, đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu công chứng, không phân biệt về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị, khả năng tài chính, tuổi tác giữa những người yêu cầu công chứng; Thu đúng, thu đủ và công khai phí, thù lao công chứng theo quy định.

Ngoài ra, công chứng viên không được sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân; Nhận đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ họ hoặc từ người thứ ba để mưu cầu lợi ích cá nhân; Thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới; Câu kết với người yêu cầu công chứng, những người có liên quan làm sai lệch nội dung văn bản công chứng và hồ sơ đã công chứng.

Công chứng viên ngoài việc tuân thủ các quy tắc đạo đức trong quan hệ với người yêu cầu công chứng thì trong quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng, tổ chức, cá nhân khác, công chứng viên cũng cần tuân thủ một số quy tắc nhất định.

Trong quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng, Công chứng viên cần tôn trọng, bảo vệ danh dự của đồng nghiệp giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Công chứng viên có trách nhiệm giám sát lẫn nhau trong hành nghề, tận tâm và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động công chứng trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp, bảo đảm bí mật nghề nghiệp, vì sự phát triển bền vững của nghề công chứng.

Trong quan hệ với tập sự hành nghề công chứng, Công chứng viên có bổn phận tham gia vào công tác hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng; Không được phân biệt, đối xử mang tính cá nhân hay đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc từ người tập sự hành nghề công chứng; Thông đồng với người tập sự hành nghề công chứng để báo cáo sai sự thật, báo cáo khống về kết quả tập sự hành nghề công chứng.

Trong quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên không được xúc phạm hoặc có hành vi làm tổn hại uy tín của đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng; Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp; Hợp tác với cá nhân, tổ chức có khả năng gây áp lực buộc người yêu cầu công chứng phải đến tổ chức hành nghề công chứng của mình để công chứng vì mục đích lợi nhuận; Quảng cáo bản thân và tổ chức hành nghề công chứng của mình dưới mọi hình thức không đúng quy định pháp luật; Hoạt động môi giới, nhận hoặc đòi tiền hoa hồng khi giới thiệu cho đồng nghiệp về yêu cầu công chứng mà mình không đảm nhận; Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.

Xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 02-6-2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này”. Cùng với việc ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, qua đó nâng cao chất lượng cũng như tính bền vững của hoạt động công chứng và từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế./.

Trần Quốc Tuấn

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN