Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay của đất nước, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật Trẻ em. Ngày 09/5/ 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

Theo đó,nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Các chính sách hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:

Một là, chính sách chăm sóc sức khỏe:Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Nhà nước trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.

Hai là, chính sách trợ giúp xã hội: Nhà nước cũng có chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể, nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; hỗ trợ chi phí mai táng và chế độ trợ cấp, trợ giúp khác cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội.

Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được bảo vệ khẩn cấp theo quy định.

Ba là, chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác theo quy định tại Điều 48, 49, 50 Luật Trẻ em.

Bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017 đối với Luật Trẻ em và từ ngày 01/7/ 2017 đối với Nghị định số 56/2017/NĐ-CP. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng./.

                                                                     Kim Khánh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN