Chủ Tịch Hồ Chí Minh với ngành Tư pháp

          Một trong những vấn đề mang tính cốt lõi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí minh là quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Ngay từ năm 1919, trong “Bản yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam” của Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Véc-xây, thì đã có tới 4 điều liên quan tới vấn đề pháp quyền. Tới năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển bản yêu sách nêu trên thành Việt Nam yêu cầu ca, trong đó có yêu cầu thứ bảy là:

“Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

          Đây thực sự là quan điểm rất đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới, tức là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, trong Nội các của Chính phủ lâm thời đã có Bộ Tư pháp, điều này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ vai trò của công tác tư pháp trong hoạt động nhà nước. Một năm sau khi thành lập nước, Người đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1946- bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước ta.

          Xuất phát từ tư tưởng coi trọng pháp luật và xác định vai trò của công tác tư pháp đối với hoạt động nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một tình cảm đặc biệt cho ngành, người nhiều lần để lại những lời căn dặn thiết thực, ý nghĩa.

            Năm 1948, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ  IV, Chủ tịch Hồ Chí Minh không trực tiếp dự hội nghị nhưng Bác đã có thư gửi đến hội nghị, trong thư người viết:

          “…Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền…      Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho Nhân dân noi theo…”.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc phát triển ngành Tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển.Người từng nói Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ Nhân dân.Với quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc chăm lo xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Theo Bác,phụng công thủ pháp, chí công, vô tư là những tiêu chuẩn của cán bộ tư pháp.Phụng công” nghĩa là tôn thờ lẽ công bằng, tôn thờ công lý, không thiên lệch.“Thủ pháp” là giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không bẻ cong, làm trái pháp luật.“Chí công” là hết mực công tâm.“Vô tư” là không vì lợi ích riêng tư nào.Người đã từng căn dặn người cán bộ tư pháp phải công bằng, không được lẫn lộn giữa công và tội, có công thì được thưởng, có lỗi thì phải bị phạt và không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công.

          Năm 1950, trực tiếp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Người lại tiếp tục nhắc nhở cán bộ tư pháp:

          “… Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân.Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …

          Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

          Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ Đảng viên bài học “Nước lấy dân làm gốc”. “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của tệ quan liêu, xa dân. Người cũng luôn nhắc nhở  việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Phải gần dân, hiểu dân thì mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác tư pháp ngày càng tốt hơn.

          Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957, với những bộn bề khó khăn của hơn 02 năm hoà bình lập lại ở Miền Bắc, Bác lại nhắc nhở cán bộ Tư pháp về tinh thần đoàn kết:

          “…Ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình tự phê bình…”.

          Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ngành Tư pháp đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức đa dạng; đưa việc học tập và làm theo gương Bác trở thành công việc tự giác, thường xuyên của Đảng bộ, của mỗi cán bộ, đảng viên; lồng ghép nội dung học tập và làm theo gương Bác vào Kế hoạch phát động phong trào thi đua hằng năm,lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên hằng năm; Chú trọng việc xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong ngành. Riêng đối với ngành Tư pháp, từ những lời căn dặn của Người, Ngành Tư pháp đã cụ thể hóa thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp được ban hành tại Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03-10-2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, chuẩn mực này bao gồm 05 nội dung lớn:

          1. Với Tổ quốc - Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

          2. Với Nhân dân - Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ Nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

          3. Với công tác tư pháp - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư.

          4. Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ.

          5. Với bản thân - Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.

          Việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là thể hiện sự tiếp nối, phát huy truyền thống quý báu của Ngành, là biểu hiện sinh động, sâu sắc nhất của Ngành Tư pháp trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          Đảng bộ Sở Tư pháp đã quan tâm xây dựng tổ chức Đảng lớn mạnh để lãnh đạo mọi hoạt động của cơ quan. Đảng bộ chú trọng chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình. Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ, giữ vững đoàn kết nhất trí trong nội bộ, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng trong cơ quan, động viên sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ. Hàng năm, Đảng bộ Sở Tư pháp được công nhận là đơn vị trong sạch vững mạnh, nhiều đảng viên của đảng bộ được công nhận là gương điển hình tiên tiến trong phong trào học tập và làm theo gương Bác.

             Với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, ngành Tư pháp đã luôn luôn làm tốt vai trò tham mưu giúp UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật.  Với vai trò là người gác cổng pháp luật, ngành Tư pháp đã tích cực tham mưu xây dựng hệ thống thể chế của tỉnh nhà, qua đó phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lúc tỉnh ta đang triển khai các công trình dự án kinh tế lớn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân để Nhân dân biết luật và hiểu luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, các hoạt động công chứng, chứng thực, hộ tịch, cấp phiếu lý lịch t­­ư pháp đều được thực hiện nhanh gọn, chính xác, đúng pháp luật với tinh thần, thái độ phục vụ đúng mực đối với Nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định. Các lĩnh vực công tác mới được giao như kiểm soát thủ tục hành chính, pháp chế, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, giao dịch bảo đảm, … bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.Ngành Tư pháp đã thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành. Với những nỗ lực và cố gắng đó, ngành Tư pháp Hà Tĩnh luôn được Bộ Tư pháp và lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, được chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, năm nào cũng được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng Cờ, Bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

          Hiện nay Đảng bộ Sở Tư pháp đang đẩy mạnh việc thực hiện chỉ thị 05 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ khối, Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết đại hội Đảng bộ Sở nhiệm kỳ 2015-2020. Mỗi cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi từ anh em đồng nghiệp với mục tiêu xây dựng một cơ quan đoàn kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Thiều Chiên

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN