Hoạt động giám định tư pháp năm 2017 trên địa bàn tỉnh

Về tổ chức và đội ngũ người giám định tư pháp:

Hiện nay, tỉnh ta có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh và Trung tâm pháp y tỉnh thuộc Sở Y tế, chưa có tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Về đội ngũ giám định viên, toàn tỉnh có 55 giám định viên tư pháp, trong đó có 14 giám định viên kỹ thuật hình sự, 23 giám định viên pháp y, 01 giám định viên pháp y tâm thần, 05 giám định viên tài chính, 05 giám định viên lĩnh vực đất đai, 01 giám định viên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, 02 giám định viên lĩnh vực văn hóa và 04 giám định viên lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Hàng năm, Sở Tư pháp đều đề nghị các sở, ngành rà soát người có đủ tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực quản lý để đề nghị UBND tỉnh công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc. Số lượng người giám định tư pháp theo vụ việc hiện nay là 38 người, trong đó 30 người lĩnh vực tài chính, 02 người lĩnh vực đầu tư, 02 người lĩnh vực xây dựng, 02 người lĩnh vực giao thông vận tải và 02 người lĩnh vực ngân hàng. Hiện nay, các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và công nghệ chưa có giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc.

Về hoạt động giám định tư pháp:

Hoạt động giám định tư pháp ở tỉnh ta chủ yếu được thực hiện trong các lĩnh vực kỹ thuật hình sự và pháp y. Năm 2017, Phòng kỹ thuật hình sự đã thực hiện 465 vụ việc giám định, Trung tâm giám định pháp y đã thực hiện giám định pháp y 102 trường hợp. Các lĩnh vực khác ít có vụ việc giám định hơn, trong năm chỉ có 01 vụ việc thuộc lĩnh vực tài chính, 01 vụ việc thuộc lĩnh vực văn hóa và thông tin, truyền thông, các lĩnh vực còn lại không có vụ việc giám định. Việc tiếp nhận, xử lý yêu cầu giám định được tuân thủ theo quy trình, quy chuẩn chuyên môn từng lĩnh vực. Những kết luận giám định khách quan, khoa học, chính xác đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định được sự thật khách quan của vụ án, làm cơ sở để đưa ra những phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, giúp tránh oan sai trong hoạt động tố tụng. Với số vụ việc giám định tương đối nhiều nhưng chưa có sai sót để dẫn đến khiếu kiện, vướng mắc xảy ra.

Về hạn chế, khó khăn:bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám định trên địa bàn tỉnh cũng còn một số khó khăn, hạn chế như sau:

- Đa số giám định viên tư pháp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên các giám định viên chủ yếu tập trung vào công việc chuyên môn nghiệp vụ do cơ quan chủ quản phân công. Vì vậy điều kiện để học hỏi chuyên sâu về nghiệp vụ giám định còn hạn chế.

- Việc phát triển đội ngũ người giám định tư pháp chưa được một số ngành, lĩnh vực thực sự quan tâm. Mặc dù hàng năm Sở Tư pháp đều đề nghị các Sở chưa có người giám định tư pháp lựa chọn, đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoặc lựa chọn, lập danh sách trình UBND tỉnh công bố giám định viên tư pháp theo vụ việc, tuy nhiên, đến nay các Sở: Công thương, Khoa học kỹ thuật, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc.

- Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giám định còn hạn chế. Tại Phòng Kỹ thuật hình sự, tuy đã được bổ sung thêm một số máy móc, thiết bị, va li các loại nhưng về cơ bản vẫn còn thiếu các thiết bị quan trọng như máy giám định tài liệu, máy ảnh, camera, kính hiển vi soi nổi… Tại Trung tâm Pháp y, do không đủ trang thiết bị cần thiết hỗ trợ cho việc kết luận pháp y nên Trung tâm phải phụ thuộc vào phương tiện kỹ thuật của Bệnh viện đa khoa tỉnh, gây khó khăn cho Trung tâm và cả đối tượng đến thực hiện giám định.

- Hiện nay, Luật Phí và lệ phí không còn quy định về phí giám định tư pháp mà việc thu chuyển sang chi phí giám định tư pháp. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế, Bộ Công an chưa ban hành hướng dẫn về định mức chi phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự. Vì vậy, việc thu chi phí giám định đang gặp khó khăn.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định trong thời gian tới:

- Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giám định tư pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác giám định tư pháp, đề cao vai trò của hoạt động giám định tư pháp tương xứng với tiến trình cải cách tư pháp;

- Tăng cường công tác tập huấn về pháp luật giám định tư pháp cũng như bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp;

- Cần có chế độ hỗ trợ kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị chuyên ngành cho các tổ chức giám định công lập;

- Các sở, ngành thường xuyên rà soát bổ sung đội ngũ người giám định tư pháp, đặc biệt là các Sở chưa có giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng./.

Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN