Kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp và một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động này

Đối với lĩnh vực tư pháp, ngày 24/9/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thi hành, thực tiễn đã cho thấy Nghị định số 110/2013/NĐ-CP vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, ngày 14/8/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

Sau gần 04 năm triển khai thi hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và 02 năm thi hành Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, nhìn chung công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã  được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các đối tượng vi phạm hành chính được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng hành vi, hình thức xử phạt, mức phạt đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định pháp luật.

Tính từ ngày 11/11/2013 đến 31/7/2017, trên địa bàn tỉnh có tổngsố152vụ việc vi phạmhành chính trong lĩnh vực tư phápbị phát hiện; đã ban hành 152 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số quyết định đã thi hànhlà 152 quyết định, trong đó có 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền và 112 quyết định bằng hình thức cảnh cáo. Số tiền phạt thu đượcvà nộp vào ngân sách nhà nước là 65.775.000 đồng. Không có vụ việc bị khiếu nại, khiếu kiện về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế chủ yếu đó là:

Thứ nhất,Thể chế về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chưa hoàn chỉnh về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả...do đó, quá trình triển khai thực hiện tại địa phương còn có những hạn chế nhất định.

Thứ hai,Mặc dù các đơn vị, địa phương đã quan tâm thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp nhưng chưa thường xuyên, đồng đều ở các ngành, các cấp nên chưa tạo được sự tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân.

Thứ ba,Cơ chế phối hợp giữa các ngành, đoàn thể tại địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế, việc tuyên truyền chưa sâu rộng trong Nhân dân, nhất là Nhân dân vùng sâu, vùng xa; hình thức phổ biến còn hạn chế dẫn đến tình trạng một số người dân chưa nắm bắt được các quy định về XLVPHC nói chung và các quy định về lĩnh vực tư pháp nói riêng.

Thứ tư,Đội ngũ tham mưu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này ở cấp huyện, cấp xã năng lực chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất,Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi.       

Thứ hai, Hoàn thành vệc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC để đảm bảo công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương cũng như đảm bảo việc phối hợp trên phạm vi toàn quốc.

Thứ ba, Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ tư, Cần bố trí, sắp xếp hoặc bổ sung hợp lý lực lượng thanh tra, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu XLVPHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này./.

          Quang Lý

 TIN TỨC LIÊN QUAN