Khai quát về chế định thừa phát lại
1. Lịch sử phát triển của chế định Thừa phát lại
Chế định Thừa phát lại đã tồn tại ở Việt Nam từ thời phong kiến và thực sự được áp dụng ở thời kỳ Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong những năm đầu của chính quyền cách mạng, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tạm thời giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ ở Bắc, Trung, Nam bộ với điều kiện "Không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và thế chính Cộng hòa", chế định Thừa phát lại tiếp tục được duy trì. Ở miền Nam, chế định này còn tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài gòn cho tới năm 1975.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Từ năm 2010, chế định Thừa phát lại được thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị của Chính phủ, ngày 23/11/2012 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung. Đến hết ngày 31/12/2015, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phươngvới 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng Thừa phát lại là 638 người, trong đó có 135 Thừa phát lại; 306 Thư ký nghiệp vụ và 197 nhân viên khác.
Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, tại Kỳ họp Thứ 10 Quốc hội XIII đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016.
2. Một số quy định hiện hành về chế định Thừa phát lại
Chế định thừa phát lại hiện nay đang được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Theo đó, một số nội dung cơ bản của chế định thừa phát lại được quy định như sau:
a) Định nghĩa về Thừa phát lại
Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
b) Về tiêu chuẩn bổ nhiệm thừa phát lại:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại được quy định như sau: Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; Không có tiền án; Có bằng cử nhân luật; Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên;Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Người có đủ các điều kiện này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
c) Về Văn phòng thừa phát lại
Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Tổ chức Văn phòng Thừa phát lại gồm:
- Trưởng văn phòng (phải là Thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại);
- Thừa phát lại là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại; Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại Văn phòng Thừa phát lại.
- Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại;
- Nhân viên kế toán; Nhân viên hành chính khác (nếu có).
Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện: Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động; Tổ chức bộ máy theo quy định của pháp luật.Văn phòng Thừa phát lại có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
d) Về các công việcThừa phát lại được làm:
Theo quy định, Thừa phát lại được thực hiện các công việc sau đây:
- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự:Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác. Thừa phát lại có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản này ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức:Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự.
Pháp luật quy định các trường hợp Thừa phát lại không được lập vi bằng, bao gồm:
+ Những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
+ Các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự;
+ Các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp;e
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự:Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.
- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự: Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với: Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng. Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc này ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Như vậy, chế định Thừa phát lại là công cụ giúp người dân tự xác lập chứng cứ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong giao dịch dân sự; cung cấp thêm cho người dân quyền lựa chọn nơi tổ chức thi hành án ngoài cơ quan thi hành án nhà nước một cách nhanh chóng, đúng pháp luật;là công cụ hữu hiệu để người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong quá trình xét xử, thi hành án. Bên cạnh đó Thừa Phát Lại tống đạt văn bản cho Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự, giúp giảm tải hoạt động của các cơ quan này, từ đó tăng chất lượng công việc phục vụ nhân dân.
Để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm rõ hơn về chế định Thừa phát lại, ngày 01/02/2016 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 460/UBND-NC1 về việc tuyên truyền, phổ biến chế định Thừa phát lại. Trong đó, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền phổ biến chế định Thừa phát lại và các văn bản liên quan tại cơ quan, tổ chức, địa phương./.
(Thiều Chiên)