Một số sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản qppl ở cấp tỉnh

Trong quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) luôn đóng vai trò quan trọng. Văn bản QPPL do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành không chỉ là công cụ để triển khai đưa pháp luật vào đời sống thực tế, mà còn là công cụ để tổ chức các hoạt động cụ thể của các cơ quan nhà nước. Với vai trò quan trọng đó, việc soạn thảo văn bản QPPL đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng về cả nội dung và hình thức. Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều văn bản QPPL đã được soạn thảo, nhiều đối tượng liên quan đóng góp nhiều ý kiến rất cụ thể nhưng khi ứng dụng nội dung văn bản đó vào thực tiễn vẫn gặp nhiều sai sót. Là những người thực hiện các nhiệm vụ tham mưu trong lĩnh vực xây dựng văn bản QPPL cấp tỉnh, trong quá trình thẩm định các dự thảo văn bản QPPL, chúng tôi thường xuyên gặp những nội dung sai sót của các dự thảo. Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) vừa có hiệu lực vào ngày 01/7/2016 với nhiều điểm thay đổi quan trọng thì càng cần phải lưu ý đến những thay đổi đó để hạn chế tình trạng soạn thảo văn bản QPPL chưa đảm bảo chất lượng.[1]

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đưa ra một số lỗi thường gặp trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL ở cấp tỉnh để các cơ quan, đơn vị tham khảo và lưu ý khi tham mưu soạn thảo văn bản QPPL của đơn vị mình.

Thứ nhất, sai hiệu lực văn bản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 (sau đây gọi là Luật năm 2004) thì “Văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND thông qua hoặc Chủ tịch UBND ký ban hành, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn”.  Trong trường hợp cần dành thời gian thích hợp để tuyên truyền, phổ biến nội dung đến đối tượng thi hành, cần thời gian để người dân có điều kiện cập nhật văn bản hoặc để chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức thực hiện thì thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định muộn hơn so với thời điểm trên đây. Hoặc trường hợp văn bản quy định các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất, khẩn cấp quy định tại Điều 47 của Luật thì thời điểm có hiệu lực của văn bản có thể bắt đầu từ ngày ký ban hành và phải được quy định cụ thể trong văn bản.

Tuy nhiên, một số đơn vị lại soạn thảo “văn bản có hiệu lực kể từ ngày ký”. Điều này là chưa phù hợp với quy định nói trên. Cần lưu ý rằng hiện nay, theo quy định của khoản 1 Điều 151 Luật năm 2015 thì thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Ngoài ra, có một số dự thảo lại quy định hiệu lực trở về trước của văn bản. Điều này cũng chưa phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 51 Luật năm 2004 và khoản 3 Điều 152 Luật năm 2015. Theo đó thì Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.

Thứ hai, về căn cứ ban hành văn bản

Một sai sót khá phổ biến nữa đó là một số dự thảo căn cứ vào các văn bản cá biệt hoặc văn bản QPPL cùng cấp. Trước đây, theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thì căn cứ pháp lý làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Và hiện nay,  Điều 61 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cũng hướng dẫn rõ ràng: “Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản”.

Bên cạnh đó, một số dự thảo còn sử dụng căn cứ pháp lý là các văn bản đã hết hiệu lực thi hành, ví dụ, căn cứ vào “Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003”, trong khi đó, Luật này đã hết hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2016 và được thay thế bởi “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015”.

Thứ ba, quy định nội dung lặp lại văn bản QPPL khác

 Đa phần các dự thảo văn bản được soạn thảo để quy định điều khoản được giao bởi các văn bản QPPL cấp trên thì thường có nội dung quy định lại nội dung của văn bản QPPL cấp trên. Tuy nhiên, trước đây theo khoản 2 Điều 5 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 và hiện nay theo khoản 2 Điều 8 Luật năm 2015 thì Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

Thứ tư, quy định nội dung trái thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật năm 2004 thì HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để quyết định chủ trương, chính sách, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh quy định tại các điều 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của cơ quan nhà nước cấp trên. Hiện nay, Điều 27 Luật năm 2015 cũng quy định HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo quy định này thì việc ban hành văn bản liên quan đến các chính sách, biện pháp nêu trên thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, do đó, dự thảo nào quy định về các chính sách, biện pháp này mà không thông qua HĐND tỉnh là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, một quy định mới mà các cơ quan, đơn vị cần phải nắm được, đó là theo Điều 111 Luật năm 2015 thì khi xây dựng các văn bản về các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh nêu trên thì phải lập đề nghị xây dựng nghị quyết và trước khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân phải thực hiện theo quy định từ Điều 112 đến Điều 116 của Luật này.

Thứ năm, quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo

Trước đây Luật năm 2004 không cấm quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL của cấp tỉnh nên khi soạn thảo văn bản, các đơn vị còn đưa vào những quy định về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng soạn thảo quy định về thủ tục hành chính nhưng chưa đầy đủ các yếu tố cấu thành của thủ tục hành chính hoặc giao cho các sở, ngành ban hành các biểu mẫu thủ tục hành chính. Điều này là chưa phù hợp với Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính vì theo Điều 8 Nghị định này thì thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản của UBND cấp tỉnh và phải đầy đủ các yếu tố như hồ sơ, thời hạn giải quyết, kết quả, mẫu đơn,…

Hiện nay theo Điều 14 Luật năm 2015 thì việc quy định thủ tục hành chính trong văn bản của HĐND, UBND các cấp là hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được luật giao.

Thứ sáu, sai thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản

Trước đây, mặc dù đã có hướng dẫn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản QPPL của cấp tỉnh tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-VPCP-BNV-BTP nhưng hầu như các dự thảo văn bản được soạn thảo đều có sai sót về vấn đề này. Ví dụ như thiếu năm ban hành tại phần ký hiệu số; không gạch chân dưới tên Quyết định, tên Quy chế/Quy định kèm theo; nơi nhận không có các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra/tự kiểm tra văn bản QPPL như Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp/ Sở Tư pháp; ký hiệu các khoản, điểm chưa đúng quy định; không in đậm tên các điều;…

Hiện nay, các quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản được nêu rõ tại chương V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, kèm theo đó là phụ lục các biểu mẫu cụ thể. Do đó, trong quá trình soạn thảo, các đơn vị cần lưu ý đến vấn đề này để xây dựng văn bản đúng quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày.

Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL ở cấp tỉnh, mong rằng trong thời gian tới, công tác tham mưu xây dựng văn bản QPPL của các đơn vị sẽ ngày càng đảm bảo chất lượng và hiệu quả hơn./.

 


[1] Xem bài viết “Một số vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 ở địa phương” của tác giả Hải Giang đăng trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Hà Tĩnh (tuphap.hatinh.gov.vn), mục nghiên cứu và trao đổi.  

 TIN TỨC LIÊN QUAN