Tìm hiểu về hợp đồng dịch vụ Đấu giá tài sản
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, để thực hiện việc bán đấu giá tài sản thông qua tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá phải ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Trước đây, tại Nghị định số 17/2010/ NĐ- CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đã quy định về loại hợp đồng này với tên gọi “ Hợp đồng bán đấu giá tài sản”. Việc bổ sung cụ thể tên của hợp đồng trong Luật hiện hành đã thể hiện rõ hơn tính chất “dịch vụ” trong loại hợp đồng này. Theo đó, Điều 33 của Luật đã quy định, hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và quy định của Luật Đấu giá tài sản.
1. Về tên gọi của hợp đồng : Đây là loại hợp đồng dịch vụ, theo quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ.
2. Về quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng: Khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức đấu giá bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó.
Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra thông tin về quyền được bán tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp. Tổ chức bán đấu giá không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá, trừ trường hợp tổ chức đấu giá tài sản không thông báo đầy đủ , chính xác cho người tham gia đấu giá những thông tin cần thiết có liên quan đến giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá được thực hiện theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, quy định của pháp luật về dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Về đơn phương chấm dứt hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng: Người có tài sản đấu giá hoặc tổ chức đấu giá tài sản có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật dân sự trước khi tổ chức đấu giá tài sản nhận hồ sơ tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá.
Người có tài sản đấu giá có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản.
Trên đây là một số nội dung cơ bản về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, rất mong được sự góp ý của quý độc giả./.
Thúy Vinh