Vướng mắc trong áp dụng Văn bản Quy phạm pháp luật
Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 quy định việc áp dụng văn bản QPPL như sau:
“1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”
Từ quy định này, có thể hiểu việc áp dụng văn bản QPPL theo nguyên tắc như sau:
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định tại Điều 151 của Luật Ban hành văn bản QPPL 2015, cụ thể: thời điểm có hiệu lực của văn bản sẽ được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Việc xác định thứ bậc văn bản QPPL căn cứ vào Điều 4 Luật Ban hành văn bản QPPL, theo đó, thứ tự văn bản từ cao xuống thấp là: Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;…Ví dụ: giữa Luật và Pháp lệnh cùng quy định về một vấn đề nhưng có sự khác nhau thì ưu tiên áp dụng Luật.
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Thứ ba, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
Quá trình thực hiện áp dụng văn bản QPPL cho thấy, Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 mới quy định về nguyên tắc áp dụng văn bản trong trường hợp: các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề và các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Thực tiễn có trường hợp văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý ngang hàng nhau nhưng do hai đơn vị ban hành có sự khác nhau thì ưu tiên áp dụng văn bản QPPL nào lại chưa được quy định. Ví dụ:
Điểm e Khoản 8 Điều 2 Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03 tháng 09 năm 2015 của Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu quy định trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trong việc: Tiếp nhận khai trình việc sử dụng lao động, báo cáo tình hình thay đổi về lao động; nhận thông báo về việc tổ chức làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo ủy quyền của Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Tuy nhiên, tại Điểm e Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao lại quy định Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp thực hiện: Nhận thông báo của doanh nghiệp trong khu công nghiệp việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Như vậy, hai thông tư cùng quy định về cùng một vấn đề nhưng do hai đơn vị khác nhau ban hành. Trường hợp này chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật, do đó, thiết nghĩ cần phải có quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng các văn bản QPPL./.
Kim Lân