Hiệu quả từ việc đổi mới phương thức tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp

Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp 2009, Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

       Để thực hiện cấp Phiếu LLTP đảm bảo quy định, Điều 24 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP quy định việc tra cứu thông tin LLTP về án tích có trước ngày 01/7/2010 để cấp Phiếu LLTP được thực hiện tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP hợp lệ, Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh LLTP kèm theo 01 bộ hồ sơ cho cơ quan Công an cùng cấp; Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh LLTP, cơ quan Công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu; trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc.

Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh trong quá trình giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Đặc biệt, năm 2015, với sự phối hợp của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh, thời hạn trả lời xác minh thông tin LLTP giảm còn 05 ngày làm việc; cắt giảm bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Năm 2019, Sở Tư pháp đã tổ chức làm việc với Công an tỉnh và hai bên thống nhất chuyển từ hình thức gửi tra cứu, xác minh thông tin LLTP từ thủ công bản giấy sang chuyển qua thư điện tử. Điều này đã góp phần giảm bớt thời gian đi lại chuyển hồ sơ, nhận kết quả của cán bộ xử lý, tăng thời gian giải quyết công việc, đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, góp phần tạo thuận lợi trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí và đáp ứng kịp thời nhu cầu của cá nhân cư trú trên địa bàn tỉnh.

Theo Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 về phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an thì Sở Tư pháp thực hiện gửi hồ sơ yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin LLTP qua Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh bằng hệ thống thư điện tử, với 04 loại giấy tờ sau: (1) Danh sách yêu cầu xác minh LLTP, (2) Phiếu xác minh thông tin LLTP, (3) Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP và (4) Giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu).

Những năm gần đây, số lượng người dân yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngày càng tăng. Nếu như năm 2018, Sở Tư pháp cấp 15.269 phiếu, năm 2020 cấp 18.865 phiếu thì sang năm 2021, số lượng Phiếu LLTP Sở Tư pháp đã cấp là 21.228 phiếu; năm 2022 cấp 35.969 phiếu; 11 tháng đầu năm 2023 đã cấp 37.817 phiếu (tăng 59,7 % so với năm 2018, tăng 50,2 % so với năm 2020, tăng 43,9 % so với năm 2021, tăng 4,1 % so với cả năm 2022). Với số lượng hồ sơ như vậy, trung bình mỗi ngày Sở Tư pháp gửi tra cứu tại Công an tỉnh 150 hồ sơ và phải thực hiện quy trình: nhập thông tin -> trích xuất danh sách yêu cầu xác minh LLTP -> in phiếu xác minh thông tin từng hồ sơ trình ký người có thẩm quyền, đóng dấu -> scan phiếu xác minh kèm hồ sơ gồm tờ khai và giấy tờ tùy thân của người yêu cầu. Điều này đã làm tăng áp lực về thời gian cho cán bộ xử lý khi phải thực hiện quá nhiều bước; tốn kém chi phí giấy in, mực in, tăng hao phí máy móc.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, xét thấy trong hồ sơ gửi tra cứu, xác minh, Danh sách yêu cầu xác minh LLTP và Phiếu xác minh thông tin LLTP có nội dung giống nhau, do đó, từ tháng 7/2023, Sở Tư pháp đã đề nghị phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh phối hợp thống nhất bỏ “Phiếu xác minh thông tin lý lịch tư pháp” trong hồ sơ gửi xác minh thông tin LLTP. Việc áp dụng giải pháp này đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích. Đã giảm bước in phiếu xác minh thông tin LLTP, trình ký, đóng dấu; giảm bớt thời gian sắp xếp phiếu xác minh thông tin với hồ sơ tương ứng và scan các loại giấy tờ này, góp phần đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ về LLTP, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ làm công tác LLTP và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp với Công an tỉnh;...Đặc biệt, đã tiết kiệm được chi phí giấy in, mực in và thời gian trình ký văn bản cho cả Sở Tư pháp và Công an tỉnh (trước đây, Công an tỉnh in kết quả từng trường hợp sau mặt phiếu xác minh thông tin của Sở Tư pháp, người tra cứu và người có thẩm quyền xác nhận ký vào từng phiếu).

Qua thời gian ngắn thực hiện đã cho thấy hiệu quả của việc đổi mới phương thức tra cứu, xác minh thông tin LLTP. Điều đó có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện công tác LLTP ở địa phương, đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính, giải quyết hiệu quả yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP; giúp tiết kiệm chi phí và giảm áp lực khối lượng công việc cho cán bộ làm công tác LLTP. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với công tác này, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác LLTP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

Hải Vân

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: