Tiếp tục tham gia góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau:
- Về tập sự hành nghề công chứng (Điều 10), đề nghị xem xét bỏ quy định: “Người tập sự không được ký văn bản công chứng” tại khoản 4 vì theo quy định thì người được Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên và được Sở Tư pháp cấp thẻ thì mới được hành nghề công chứng; do đó, quy định trên là không cần thiết.
- Về trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên (Điều 12), Khoản 5 quy định trường hợp: “Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng Công chứng hoặc viên chức, công chức khác của Sở Tư pháp thuộc đối tượng điều động, luân chuyển về Phòng Công chứng sau khi được bổ nhiệm công chứng viên” hiện chưa rõ nghĩa. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định lại nội dung này.
- Về việc miễn nhiệm công chứng viên (Điều 14):
+ Điểm đ Khoản 2 quy định công chứng viên bị miễn nhiệm trong trường hợp “không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên”. Hiện nay, vẫn có trường hợp công chứng viên hợp danh không ký văn bản công chứng, chứng thực hoặc ký rất ít để đối phó. Vì vậy, để tránh tình trạng này, đề nghị xem xét, quy định cụ thể tiêu chí đánh giá việc hành nghề liên tục theo hướng quy định tỷ lệ giải quyết việc công chứng/chứng thực giữa các công chứng viên trong tổ chức hành nghề công chứng. Đối với công chứng viên không đáp ứng tiêu chí hành nghề trên thực tế thì đề nghị quy định thuộc trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên.
- Đề nghị xem xét quy định tại điểm e khoản 2 đối với trường hợp công chứng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì đối với trường hợp công chứng viên bị tạm đình chỉ do bị truy cứu trách nhiệm hình sự là quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, chưa có kết luận về việc công chứng viên đó có phạm tội hay không. Có thể sẽ có trường hợp công chứng viên được Tòa án tuyên vô tội. Do đó, quy định miễn nhiệm công chứng viên trong trường hợp hết thời hạn tạm đình chỉ do bị truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa phù hợp; mặt khác, tại điểm i khoản này cũng đã quy định miễn nhiệm đối với công chứng viên “bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc bị Tòa án cấm hành nghề công chứng”.
- Về tạm ngừng hoạt động Văn phòng công chứng (Điều 30), đối với trường hợp tạm ngưng hoạt động quy định tại khoản 3, Văn phòng công chứng “Không thể hoạt động vì lý do bất khả kháng, trở ngại khách quan” thì Sở Tư pháp có thể chưa kịp thời biết thông tin để ra quyết định tạm ngừng hoạt động trong thời hạn theo quy định, đặc biệt là Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố có số lượng lớn tổ chức hành nghề công chứng. Để thực hiện được điều này cần thiết phải có thông báo/thông tin từ Văn phòng công chứng. Do đó, đề nghị xem xét quy định về thời hạn Sở Tư pháp ra quyết định tạm ngừng hoạt động; đồng thời bổ sung trách nhiệm thông báo của Văn phòng công chứng trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1.
- Về thẻ công chứng viên (Điều 36), tại khoản 1, đề nghị thay cụm từ “xuất trình Thẻ công chứng viên” bằng cụm từ “đeo Thẻ công chứng viên”, thành “Công chứng viên chỉ được hành nghề công chứng sau khi được Sở Tư pháp cấp Thẻ công chứng viên và phải đeo Thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng.
- Về công chứng giao dịch đã được soạn thảo sẵn (Điều 39):
+ Đề nghị giữ nguyên thành phần hồ sơ “Phiếu yêu cầu công chứng” tại Khoản 1 như quy định hiện nay. Bởi vì phiếu yêu cầu công chứng là căn cứ đầu tiên để phát sinh nội dung yêu cầu công chứng; khi có phiếu yêu cầu công chứng thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ nắm bắt nhanh yêu cầu của người yêu cầu công chứng, từ đó việc tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn thủ tục của công chứng viên sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đồng thời hồ sơ công chứng có giá trị lưu trữ lâu dài, nó sẽ như một bản tóm tắt các thành phần hồ sơ, ý chí, nội dung người yêu cầu công chứng, đồng thời quá trình lưu trữ sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc kiểm soát thành phần hồ sơ.
+ Về trình tự công chứng, Khoản 2, khoản 7 dự thảo quy định công chứng viên kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng (Khoản 2), hướng dẫn, giải thích cho người yêu cầu công chứng, kiểm tra dự thảo giao dịch, người yêu cầu công chứng đọc lại dự thảo và ký vào từng trang của giao dịch, sau đó công chứng viên mới yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ. Do đó, để đảm bảo tính logic của quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, đề nghị đưa nội dung xuất trình bản chính các giấy tờ tại Khoản 7 thực hiện đồng thời với việc kiểm tra các giấy tờ tại Khoản 2.
+ Tại Khoản 7, đề nghị bỏ quy định đối với việc có thể xuất trình bản sao có chứng thực đối với giấy tờ tùy thân vì khi thực hiện công chứng thì công chứng viên phải xem xét, đối chiếu giấy tờ tùy thân để nhận dạng người yêu cầu công chứng một cách chính xác khi tham gia giao dịch.
- Về quy định người phiên dịch (Điều 46), khoản 3 quy định: Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, đối với trường hợp người yêu cầu công chứng không mời được người phiên dịch thì đề nghị xem xét bổ sung quy định Tổ chức hành nghề công chứng có thể cử người phiên dịch là cộng tác viên dịch thuật của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc phiên dịch.
- Về việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, khoản 3 điều 49 quy định “Việc sửa lỗi kỹ thuật phải được thông báo bằng văn bản cho những người tham gia giao dịch”. Việc sửa lỗi kỹ thuật không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao dịch, do đó, để tránh tránh lãng phí thời gian và kinh phí cho việc việc phát hành văn bản, thông báo, đề nghị giữ nguyên quy định như Luật Công chứng 2014 là “Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch”, đáp ứng được sự nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện cho công chứng viên và người tham gia giao dịch.
- Về việc công chứng hợp đồng ủy quyền (Điều 55), khoản 3 quy định: “Việc sửa lỗi kỹ thuật của văn bản công chứng theo quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện công chứng cho bên uỷ quyền…”. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 50 quy định: “Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng đó”. Mặt khác, việc sửa lỗi kỹ thuật không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Do đó, đối với hợp đồng ủy quyền đã được 02 tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận, đề nghị quy định việc sửa lỗi kỹ thuật được thực hiện tại 01 trong 02 tổ chức hành nghề công chứng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng.
- Về việc công chứng văn bản phân chia di sản (Điều 56):
+ Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại khoản như sau: “Những người thừa kế có thể thoả thuận việc một hoặc một số người thừa kế tặng cho, hoặc chuyển nhượng quyền hưởng toàn bộ hoặc một phần di sản của mình cho một hoặc một số người thừa kế khác” nhằm giảm bớt thủ tục và chi phí cho người dân.
+ Khoản 6 quy định thủ tục công chứng văn bản phân chia di sản tại các khoản 3, 4, 5 của Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật mà chỉ có 01 thừa kế. Tuy nhiên, trường hợp có 1 người thừa kế mà làm văn bản phân chia di sản sẽ không phù hợp. Do đó, đề nghị giữ nguyên quy định về khai nhận di sản như Luật Công chứng hiện hành.
- Đối với các quy định về giải quyết thủ tục hành chính, đề nghị sửa đổi từ “ngày” sang “ngày làm việc”.
- Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 72), tại điểm d khoản 1, đề nghị bỏ cụm từ “thay đổi”, thành “…quyết định cho phép thành lập và thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng...”. Vì, Luật Công chứng 2014 quy định thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc cho phép thay đổi trụ sở của Văn phòng công chứng sang huyện, quận, thị xã, thành phố khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi không còn quy định này. Các trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động được quy định tại Điều 24, theo đó Sở Tư pháp là cơ quan cấp lại giấy đăng ký hoạt động hoặc ghi nhận nội dung thay đổi của Văn phòng công chứng./.
Hạnh Ngân