Kết quả 01 năm triển khai thi hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

Ngày 08/02/2022, Bộ Tư pháp ban hành Thông số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 25/3/2022. Ngay sau khi Bộ Tư pháp ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản công; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Từ ngày triển khai thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính - Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Thi hành án dân sự và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã đăng tải 174 thông báo công khai lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử của mình và Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Tài sản đấu giá chủ yếu là quyền sử dụng đất và tài sản thi hành án. Hầu hết các đơn vị đều lựa chọn hình thức thành lập Tổ đánh giá và thực hiện việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, thông báo kết quả lựa chọn theo quy định của Thông tư số 02/2022/TT-BTP và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 02/2022/TT-BTP với những quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc, tiêu chí, cách chấm điểm đã tạo cơ sở để lựa chọn tổ chức đấu giá công khai, khách quan, minh bạch; hạn chế tình trạng thông đồng giữa người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản; qua đó lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có uy tín và kinh nghiệm, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng cuộc đấu giá. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư còn có một số nội dung bất cập, vướng mắc như sau:

- Việc xác minh tính chính xác thông tin về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đấu giá rất khó thực hiện, đặc biệt là đối với các tổ chức đấu giá tài sản ngoài địa bàn tỉnh.

- Đối với các tiêu chí: số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá; tiêu chí mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm, Thông tư số 02/2022/TT-BTP quy định “Tổ chức đấu giá tài sản liệt kê tất cả các cuộc đấu giá tài sản đã thực hiện. Người có tài sản không yêu cầu nộp bản chính hoặc bản sao hợp đồng” nên thực tế có thể phát sinh trường hợp tổ chức đấu giá tài sản (nhất là tổ chức đấu giá ở tỉnh khác) kê khai không đúng để được chấm điểm cao hơn.

- Theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, lĩnh vực đấu giá tài sản không thuộc phạm vi phải công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Mặt khác, doanh nghiệp đấu giá được hành nghề trong phạm vi cả nước, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Do đó, việc xác minh thông tin tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đấu giá viên có bị kết án hay không gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, nhất là đối với các tổ chức đấu giá ngoài địa bàn tỉnh. Mặc dù Thông tư số 02/2022/TT-BTP đã quy định: “Tổ chức đấu giá tài sản (…) phải chịu hậu quả bất lợi do kê khai không đầy đủ, không chính xác thông tin”, tuy nhiên, cơ chế xác minh khó khăn lại là điều kiện thuận lợi để các tổ chức đấu giá tài sản cung cấp thông tin không trung thực, đầy đủ, chính xác trong hồ sơ đăng ký lựa chọn của mình.

- Việc áp dụng Thông tư số 02/2022/TT-BTP, đặc biệt là các tiêu chí số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá; tiêu chí mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm; tiêu chí thời gian hoạt động với tổng số điểm khá cao (29 điểm) gây khó khăn cho quá trình hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản mới thành lập, mặc dù các tổ chức này có thể có nhiều ưu thế hơn về cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng đấu giá viên và cách thức điều hành, hoạt động. Hạn chế này lại có tính kế thừa qua các năm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của các tổ chức đấu giá này.

- Thường xảy ra tình trạng lỗi kết nối mạng internet trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Do đó, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản khi đăng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá, thông báo đấu giá tài sản, thông báo kết quả đấu giá không đăng được hoặc đăng chậm do tình trạng mạng xử lý không kịp thời.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế, khó khăn như đã nêu ở trên, cơ quan có thẩm quyền cần  xem xét hướng dẫn về cơ chế phối hợp cung cấp thông tin, việc xác minh thông tin trong hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, đặc biệt là các tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đấu giá; tiêu chí về số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá và mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm; việc xác minh trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, bị kết án; nghiên cứu việc áp dụng các tiêu chí đối với tổ chức đấu giá tài sản mới thành lập, tạo cơ chế cho sự phát triển của các tổ chức này. Đồng thời nâng cấp chất lượng đường truyền internet trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng nhanh chóng, thuận tiện hơn./.

Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: