Kết quả công tác hệ thống hóa trên địa bàn tỉnh kỳ 2019-2023
Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là việc tập hợp, sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát theo các tiêu chí theo quy định, đồng thời đây cũng là nhiệm vụ được thực hiện theo định kỳ 5 năm/lần.
Trong kỳ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023, thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), bám theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 27/02/2023. Theo đó, công tác hệ thống hóa được triển khai theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 30/6/2023 (tổ chức rà soát và tập hợp văn bản còn hiệu lực do HĐND, UBND các cấp ban hành từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2022); giai đoạn 2 thực hiện từ ngày 01/7/2023 đến ngày 20/3/2024 (tổ chức rà soát và tập hợp văn bản còn hiệu lực do HĐND, UBND các cấp ban hành từ ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023; công bố kết quả hệ thống hóa; tổ chức in ấn, phát hành tập hệ thống hóa và tổng hợp báo cáo kết quả hệ thống hóa trên địa bàn tỉnh).
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp, kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương thực hiện nghiêm túc, chất lượng và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra; số liệu, danh mục đơn vị gửi đến Sở Tư pháp khá chính xác và sát đúng đã tạo thuận lợi trong quá trình tổng hợp gửi Bộ Tư pháp và UBND tỉnh theo quy định. Theo đó:
Đối với cấp tỉnh, ngày 12/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-UBND về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh kỳ 2019-2023. Theo đó, trong tổng số 691 văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa đã xác định:
- Tổng số văn bản còn hiệu lực trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 407 văn bản (trong đó, xác định số văn bản hết hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 48 văn bản; số văn bản ngưng hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019- 2023: 01 văn bản; số văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 28 văn bản.
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 284 văn bản.
Thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan đăng tải Quyết định công bố, các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản kèm theo Quyết định công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh (hatinh.gov.vn); đăng Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023 trên hệ thống Công báo điện tử của tỉnh (qppl.hatinh.gov.vn) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng.
Đối với cấp huyện: 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện kỳ 2019-2023. Theo đó, đã tập hợp để hệ thống hóa kỳ 2019-2023: 179 văn bản; số văn bản còn hiệu lực kỳ 2019-2023: 128 văn bản; Số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 4 văn bản; Số văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 6 văn bản. Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 51 văn bản.
Ở cấp xã, 216/216 xã, phường, thị trấn đã ban hành Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã kỳ 2019-2023. Theo đó, xác định tổng số văn bản được tập hợp để hệ thống hóa kỳ 2019-2023: 176 văn bản; số văn bản còn hiệu lực kỳ 2019-2023: 172 văn bản; tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023: 4 văn bản.
Nhìn chung công tác hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020); Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Thông qua nhiệm vụ này, toàn bộ hệ thống văn bản từ tỉnh đến xã đã được rà soát một cách tổng thể, từ đó phát hiện những văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời xử lý, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật tại địa phương./.