Kỹ thuật soạn thảo một số điều khoản cụ thể trong văn bản QPPL cần lưu ý

Trong việc ban hành văn bản QPPL, không thể phủ nhận vai trò của người soạn thảo văn bản với tư cách là người đặt những “viên gạch đầu tiên” để xây dựng “nền móng” cho dự thảo văn bản QPPL. Để dự thảo văn bản đảm bảo chất lượng, người soạn thảo cần nắm rõ các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Dưới đây là kỹ thuật soạn thảo một số điêu khoản cụ thể mà người soạn thảo (cơ quan soạn thảo) văn bản QPPL của HĐND và UBND cần lưu ý trong quá trình soạn thảo văn bản.

Một là điều khoản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Việc xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của một văn bản QPPL là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo, người soạn thảo cần xác định rõ mục đích của việc ban hành, nội dung của văn bản để xác định chính xác phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.  Theo đó, phạm vi điều chỉnh của văn bản là các vấn đề được đặt ra và giải quyết trong văn bản đó; còn đối tượng áp dụng là những người thực hiện văn bản sau khi văn bản có hiệu lực, bao gồm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Hai là điều khoản về giải thích từ ngữ

Chỉ quy định về điều giải thích từ ngữ nếu trong một văn bản có những từ ngữ, khái niệm phức tạp nào đó cần phải giải thích, mô tả làm rõ nội dung của từ ngữ, khái niệm đó. Khi trong văn bản sử dụng nhiều lần từ đó và nếu không giải thích thì người tiếp cận văn bản có thể không rõ hoặc hiểu theo nhiều cách khác nhau. Điều khoản giải thích từ ngữ nên đặt ở phần đầu của văn bản; tránh sử dụng quá nhiều khái niệm để giải thích một cụm từ.

Ba là điều khoản quy định về nguyên tắc

Không phải văn bản QPPL nào cũng có quy định về nguyên tắc, tuy nhiên nếu phải quy định nguyên tắc thì người soạn thảo cần lưu ý: Nguyên tắc là những điều cơ bản được đặt ra dựa trên những quan điểm tư tưởng nhất định đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo. Nguyên tắc sẽ xuyên suốt toàn bộ hoạt động hoặc toàn bộ quy trình mà nội dung văn bản quy định. Khi viết điều khoản quy định nguyên tắc nên hạn chế đưa chủ thể là con người hay đối tượng lên đầu.

Bốn là điều khoản quy định về thủ tục hành chính

Theo quy định, nghị quyết của HĐND tỉnh được quy định thủ tục hành chính trong trường được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết về biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã và quyết định của UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được quy định thủ tục hành chính trong trường được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

Việc quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL cần tuân theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 92/2017/NĐ-CP). Theo đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP quy định “Thủ tục hành chính” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức”.

Khi quy định về thủ tục hành chính phải đảm bảo các yếu tố: Đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; Phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước; Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước; Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính và tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan.

Việc quy định một thủ tục hành chính chỉ hoàn thành khi đáp ứng đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản sau đây: Tên thủ tục hành chính; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; Trường hợp thủ tục hành chính phải có mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí thì mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí là bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính.

Năm là quy định về hiệu lực thi hành

Khi quy định về hiệu lực của văn bản phải xác định cụ thể ngày, tháng, năm có hiệu lực của văn bản và đảm bảo không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã. Riêng trường hợp nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Không quy định “Nghị quyết/Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày/07 ngày kể từ ngày HĐND thông qua/UBND ký ban hành”, mà quy định “Nghị quyết/Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày…tháng…năm”.

Về cơ bản, người soạn thảo văn bản QPPL có thể xác định được cụ thể thời điểm có hiệu lực của văn bản, tuy nhiên vẫn cần phải chú ý các yếu tố ngoại cảnh tác động. Rất nhiều quy định cần một khoảng thời gian chuẩn bị nhất định để áp dụng. Do đó, cần phải tính toán, cân nhắc về ngày có hiệu lực của văn bản để đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Cần đặc biệt lưu ý, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND các cấp không được quy định hiệu lực trở về trước, tức là quy định nghị quyết, quyết định có hiệu lực trước ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Quy định về chấm dứt hiệu lực của văn bản: Một số văn bản QPPL có tính chất quy định tạm thời hoặc điều chỉnh về những vấn đề phức tạp, thiếu ổn định hoặc người soạn thảo thấy rằng biện pháp quy định còn có tính thử nghiệm thì nên quy định điều khoản chấm dứt hiệu lực sau một số năm thực hiện.

Sáu là quy định chuyển tiếp

Khi một văn bản bị sửa đổi, bãi bỏ hay thay thế, cần cân nhắc liệu văn bản hay điều khoản mới có thể có hiệu lực kể từ ngày dự kiến mà không gặp khó khăn nào không, hoặc liệu điều khoản chuyển tiếp có cần không? Nếu cần có điều khoản chuyển tiếp thì quy định chuyển tiếp được quy định thành điều riêng tại phần cuối của văn bản, được đặt tên là “Quy định chuyển tiếp” hoặc quy định thành khoản riêng tại các điều cần phải có quy định chuyển tiếp hoặc quy định thành khoản riêng tại điều quy định về điều khoản thi hành.

Bảy là quy định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế văn bản khác

Trường hợp văn bản được ban hành có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm, cụm từ, từ của các văn bản khác thì các nội dung này được trình bày tại chương hoặc điều quy định về điều khoản thi hành. Người soạn thảo phải liệt kê cụ thể những văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ ngay trong văn bản đang được soạn thảo.

 

                                                                           Kim Khánh

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: