Một số bất cập của các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thời gian qua, các cơ quan Trung ương đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tương đối đầy đủ, giúp cho công tác xử phạt vi phạm hành chính ngày càng đi vào nề nếp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, áp dụng các quy định đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh, dẫn đến việc chuyển hồ sơ lên cấp trên, công tác xử phạt vi phạm hành chính mất nhiều thời gian, tiềm ẩn vi phạm vẫn tồn tại và tiếp tục phát sinh thêm nếu không kịp thời xử lý.

1. Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho khá nhiều chủ thể khác nhau gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; người có thẩm quyền của Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Hải quan... Việc mở rộng thẩm quyền xử phạt cho nhiều đối tượng khác nhau thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc đấu tranh, phòng chống đối với hành vi vi phạm phổ biến này. Tuy nhiên, khả năng thực hiện thẩm quyền xử phạt của một số chức danh trong thực tiễn bị hạn chế nhiều. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tùy từng trường hợp cụ thể. Các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm này gồm: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu căn cứ vào mức tiền phạt thì một số chức danh như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể xử phạt đối với các vi phạm tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP vì các hành vi này có mức phạt cao nhất của khung là 5.000.000 đồng trở xuống. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 44 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại” mà không có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nên không thể xử phạt đối với hành vi này. Điều này làm cho việc xử phạt bị tồn đọng vì phải chuyển lên cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Bất cập này cũng thể hiện đối với một số chức danh khác thuộc lực lượng Công an nhân dân (như Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng các phòng nghiệp vụ...), lực lượng hải quan (như Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan)...

2. Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Tuy vậy, hiện nay các quy định của pháp luật về đất đai không quy định cụ thể biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương. Trong khi tại Nghị định số 91/2019/NĐCP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm” mà không có quyền “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” khi xử phạt các hành vi vi phạm về đất đai, nên trong mọi vi phạm về lấn, chiếm đất không phụ thuộc vào diện tích, không phải thu hồi đất mà chỉ buộc người đang lấn đất trả lại đất cho người sử dụng đất đều phải chuyển đến Chủ tịch UBND cấp huyện để xử phạt nên rất khó trong việc thực hiện quyền của người có thẩm quyền ở cơ sở. Thực tiễn thi hành cho thấy nhiều vụ việc đơn giản, vi phạm nhỏ, về mức phạt tiền vẫn thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã (từ 5.000.000 đồng trở xuống)[1], cơ quan có thẩm quyền ngay khi phát hiện đã kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm nên thực tế không phát sinh số lợi bất hợp pháp, nhưng theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP khi xử phạt về hành vi vi phạm vẫn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên và phải chuyển hồ sơ lên chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý.

3. Về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Theo quy định tại khoản Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì hành vi đánh bạc trái phép bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Hành vi này bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 7. Theo quy định tại khoản 4 Điều 69 thì Trưởng Công an cấp huyện không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm" nên không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đánh bạc trái phép. Thực tế hành vi này diễn ra với số lượng rất lớn, vì vậy việc chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt sẽ gây áp lực cho các cơ quan cấp trên, khó khăn cho các đơn vị.

Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nghiên cứu, áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo hướng tăng thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt để tạo thuận lợi trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.

Thanh Hoa



[1] Điểm a khoản 1 từ Điều 9 đến Điều 12 và điểm a, b khoản 1 Điều 13, 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: