Một số giải pháp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh

Trong những năm gần đây, tình hình người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi. Chính vì vậy, việc bảo vệ, giáo dục người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 phạm tội đã trở thành vấn đề cấp thiết và được cả xã hội quan tâm. Thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là tham gia tố tụng bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Năm 2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện 277 vụ việc, trong đó có 65 vụ việc tham gia bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm tỷ lệ 23% tổng số vụ việc). Năm 2023, Trung tâm đã tổ chức thực hiện 277 vụ việc, trong đó, có 89 vụ việc tham gia bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm tỷ lệ 32,1% tổng số vụ việc). So với những năm trước đây, việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng để bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có chiều hướng tăng về số lượng, chất lượng và đa dạng về tội danh. Thông qua việc trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã giúp cho họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, tạo được lòng tin, sức lan tỏa trong nhân dân.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý cho cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng vụ việc như: phần lớn người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là những người có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn hoặc thường sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận các thông tin pháp luật nói chung, Luật Trợ giúp pháp lý, pháp luật hình sự nói riêng còn hạn chế; các quy định về người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa được thống nhất nên việc áp dụng quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội giữa một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc; một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi  đến dưới 18 tuổi phạm tội; công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Hà Tĩnh ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự có hiệu quả, chưa đánh giá đúng công tác trợ giúp pháp lý của từng đơn vị để kịp thời tháo gỡ, chấn chỉnh những khó khăn, vướng mắc; đa phần người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt như: bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, bố mẹ mất sớm hoặc vì cuộc sống quá cơ cực phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian quan tâm, chăm sóc con cái; một số Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kỹ năng tham gia tố tụng, bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên kết quả trợ giúp pháp lý chưa cao… Để nâng cao hiệu quả công tác Trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý

Hiện nay, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định cụ thể về người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là diện người được trợ giúp pháp lý. Do đó, cần xây dựng nội dung tuyên truyền gắn liền quyền lợi của người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, tuyên truyền phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý rộng rãi với các hình thức phong phú và đa dạng tới cán bộ và nhân dân trên địa bàn để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói chung và người bị buộc tội từ  đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nói riêng để biết và đến với Trung tâm khi có vướng mắc pháp luật.

Hai là, phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý

Hội đồng phối hợp liên ngành cần tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các đơn vị thuộc ngành mình quản lý để kịp thời tháo gỡ và chấn chỉnh. Phối hợp theo dõi, đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý nỗ lực hết mình trong công tác trợ giúp pháp lý nói chung, cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nói riêng.

Ba là, người tiến hành tố tụng cần tăng cường việc hướng dẫn giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong qua trình thực hiện nhiệm vụ của mình

Trong quá trình thụ lý và giải quyết các vụ án nếu phát hiện bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nói chung và người chưa thành niên nói riêng thì các cơ quan tiến hành tố tụng ngoài việc giải thích cho họ biết về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, cần phải giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí; hướng dẫn cho họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và địa chỉ liên lạc của Trung tâm để biết và tiếp cận Trung tâm.

Bốn là, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần tìm hiểu kỹ tâm lý độ tuổi, tiếp xúc sớm với người người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong quá trình thực hiện bào chữa cho họ

Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không chỉ tập trung nghiên cứu hồ sơ vụ án mà cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, thấu hiểu hoàn cảnh của các em, tạo độ tin cậy để các em sẵn sàng chia sẻ, trình bày rõ diễn biến hành vi do mình gây ra hoặc hậu quả xảy ra đối với bản thân mình, đồng thời lắng nghe, thực hiện theo sự hướng dẫn của người bào chữa để có thể thu thập, bổ sung thêm các chứng cứ có lợi, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa người bào chữa với thân chủ trong quá trình tố tụng.

Năm là, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý

Hệ thống các văn bản pháp luật luôn được sửa đổi, bổ sung đòi hỏi trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cần chủ động nghiên cứu, rèn luyện mình, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức pháp luật thường xuyên để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng và khi tham gia tố tụng cần phải nhiệt tình, tâm huyết, có sự chuẩn bị kỹ càng khi tham gia tranh tụng.

Sáu là, tăng cường công tác tập huấn để nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng bảo vệ đối tượng đặc thù là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Cục Trợ giúp pháp lý cũng như Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cần tăng cường tổ chức các cuộc tập huấn thường xuyên để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp lý.

Tin tưởng rằng, với sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ góp phần làm cho hoạt động tố tụng được khách quan, toàn diện, đúng bản chất, giúp Hội đồng xét xử ban hành bản án đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật, giúp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, tạo được lòng tin, sức lan tỏa trong nhân dân.

                                                                                                                    Quyên Nguyễn

 TIN TỨC LIÊN QUAN