Một số kết quả sau 02 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Kể từ ngày 01/01/2022, công tác này xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Qua 02 năm thực hiện các văn bản này, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Hàng năm Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, trong đó có nhiệm vụ công tác chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, Sở ban hành nhiều văn bản đôc đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ này gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bám sát Kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp, hàng năm các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn cấp xã trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP đến cán bộ, Nhân dân, Sở Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức 01 Hội nghị tập huấn; xây dựng và phát hành 4.000 cuốn Sổ tay xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cấp phát miễn phí cho các địa phương. Chỉ đạo phòng chuyên môn viết tin, bài và hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và qua ấn phẩm Bản tin Tư pháp Hà Tĩnh. Đồng thời, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh thực hiện các Chương trình truyền thông về xây dựng cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp, các địa phương đã tổ chức 13 hội nghị để tập huấn chuyên sâu về nội dung Quyết định số 25/2021/QĐ-và Thông tư số 09/2021/TT-BTP cho đội ngũ cán bộ quản lý và công chức phụ trách tham mưu thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật, đồng thời quán triệt nghiêm túc việc thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức và truyền thông rộng rãi cho người dân thông qua sinh hoạt thôn, xóm, qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở…

Nhằm nắm bắt thực trạng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, đồng thời tổ chức kiểm tra tại một số địa phương. Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thành lập 03 đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra tại 06 đơn vị cấp huyện và 12 đơn vị cấp xã.  Bên cạnh đó, để phục vụ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp trực tiếp thẩm định việc thực hiện nhiệm vụ này tại một số địa phương (năm 2022 thẩm định tại 37 xã, năm 2023 thẩm định 47 xã). Thông qua kiểm tra và nắm bắt thực tiễn triển khai Bộ tiêu chí tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng công tác này.

Qua theo dõi của Sở Tư pháp, 100% đơn vị cấp huyện đã kiện toàn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật và tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm chất lượng, tuân thủ điều kiện trình tự, thủ tục theo quy định. Năm 2022, toàn tỉnh có 209/216 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 35 xã đạt tiêu chí tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, có 07 đơn vị cấp xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do có người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ. Năm 2023 có 211/216 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 45 xã đạt tiêu chí tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, có 05 đơn vị cấp xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do có người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ. Không có trường hợp nào bị thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Gắn với thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật được xây dựng và từ năm 2022 đến nay có gần 200 mô hình điển hình về PBGDPL và hòa giải ở cơ sở, trong đó hơn 180 mô hình được khen thưởng. Điển hình là mô hình các câu lạc bộ như Phụ nữ với Pháp luật, Thanh niên với pháp luật, Cựu chiến binh với pháp luật, Nông dân với pháp luật, Tổ hòa giải kiểu mẫu… Các mô hình được xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện, đến nay về cơ bản công tác này đã đi vào nề nếp. Đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu thực hiện nhiệm vụ được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, nhìn chung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, tỷ lệ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Nhờ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, Nhân dân; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân  và xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng cấp xã, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Một số ít địa phương chưa thực sự chú trọng đúng mức đến công tác này. Mối quan hệ phối hợp giữa Công chức Tư pháp - Hộ tịch và các công chức khác thuộc UBND xã trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn thiếu nhuần nhuyễn, chưa thường xuyên, ở một số địa phương chủ yếu do công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ động thực hiện. Việc nắm bắt các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn trong việc thực hiện tiêu chí này của một số cán bộ phụ trách tiêu chí chưa đầy đủ, thực hiện còn nhiều lúng túng. Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ vẫn còn hạn chế, nhất là về kinh phí, một số địa phương chưa được bố trí kinh phí riêng mà chủ yếu sử dụng kinh phí PBGDPL để thực hiện…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu, phối hợp với các địa phương trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cơ sở.

Đối với UBND cấp huyện, cấp xã, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, qua đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện. Tiếp tục chú trọng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo đúng quy định, thẩm quyền, thực chất. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các công chức thuộc UBND xã trong thực hiện nhiệm vụ, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt UBND cấp huyện cần kịp thời, nghiêm túc chấn chỉnh các địa phương còn thiếu quyết liệt trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ các đơn vị chưa đạt chuẩn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này.

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự hướng dẫn kịp thời của Sở Tư pháp và quyết tâm cao của các địa phương, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân và trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ./.

                                                                                              Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN