Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến

Hàng năm, Sở Tư pháp đã quan tâm tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các Hội nghị, cuộc họp giữa các ngành; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến cho các cá nhân đến thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp... Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cán bộ và Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa và nội dung các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả công tác lý lịch tư pháp

Sở Tư pháp đã thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp về cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin về lý lịch tư pháp (LLTP) (ban hành kèm theo Quyết định số 32/2011/QĐ-UBND ngày 26/10/2011 của UBND tỉnh). Định kỳ hàng quý, Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát việc cung cấp thông tin LLTP, trên cơ sở đó cập nhật, bổ sung thông tin còn thiếu. Các bên cũng thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi bằng văn bản, trao đổi trực tiếp…Việc tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin LLTP được thực hiện nghiêm túc theo quy trình. Các cơ quan liên quan cũng đã tích cực phối hợp, cung cấp kịp thời thông tin LLTP.

Thứ ba, tiếp nhận và giải quyết hiệu quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp

Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết hiệu quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP, trong đó có các trường hợp chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tuyên truyền, hướng dẫn đẩy mạnh việc nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích bằng nhiều hình thức, như: đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp; xây dựng video, sơ đồ hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến tại giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả; thông báo tài khoản ngân hàng để tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công. Sở Tư pháp cũng đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2126/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 về danh mục và Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trực tuyến một phần; cấp phiếu LLTP trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong giai đoạn vừa qua, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 132.604 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, trong đó có 2.679 trường hợp xóa án tích.

Thứ tư, chủ động rà soát các trường hợp đương nhiên xóa án tích

Thực hiện Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 13/7/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020, từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã chủ động tổ chức 03 đợt rà soát các trường hợp đương nhiên xóa án tích trên phần mềm quản lý LLTP với số lượng đưa vào rà soát 928 trường hợp. Trên cơ sở đó, đề nghị các cơ quan Công an, Thi hành án dân sự có liên quan xác minh các thông tin về thi hành án hình sự và thi hành án dân sự chưa có dữ liệu trên phần mềm. Qua đó đã xác định 157 trường hợp đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Sở đã cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu LLTP và thông báo người dân làm đơn xóa án tích, đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm phối hợp trong việc tuyên truyền, thông báo và hỗ trợ người đương nhiên được xóa án tích thực hiện các thủ tục cần thiết.

Những hoạt động nêu trên đã góp phần vào việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm tội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng qua nhiều hình thức để nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội. Đồng thời, các địa phương cần chủ động rà soát người đã chấp hành xong án hình sự cư trú tại địa bàn, đã đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích, qua đó thông báo, hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp phiếu LLTP để xóa án tích theo quy định./.

                                                                                Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bao gồm các quy hoạch được quy định tại Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch. Mặc dù, Luật Quy hoạch có giải thích từ ngữ như quy định nêu trên, tuy nhiên, do một số quy định còn chưa cụ thể nên quá trình thực hiện còn vướng mắc trong việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện lập, thẩm định đối với quy hoạch này.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với mọi người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mang tính thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp của tất cả các cơ quan, tổ chức nhằm làm tăng thêm tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân, tạo cho mọi người dân có ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật và thực thi pháp luật có hiệu quả.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định. Thông qua hoạt động này các văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp được phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý qua đó góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật.
Tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” đã khẳng định: Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm bám sát mục tiêu Đề án.
Xác định số hóa sổ hộ tịch là nhiệm vụ rất quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo phương pháp truyền thống trước đây. Với tầm quan trọng của công tác này, Hà Tĩnh đã tập trung cao độ cho việc số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn, thực hiện nhanh, đúng, có hiệu quả các kế hoạch của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh đã đề ra, tạo tiền đề để hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1143/QĐ-BTP trong đó có hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong các bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới. Trước đó nhiệm vụ này được thực hiện theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Những điểm mới của Quyết định số 1143/QĐ-BTP so với Quyết định số 1723/QĐ-BTP được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Quyết định này: