Một số kết quả sau hơn 04 năm thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thời gian qua công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

          Thứ nhất, về công tác tham mưu, ban hành văn bản triển khai Nghị định

Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh,  Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Quyết định số 3444/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2024 và những năm tiếp theo và Kế hoạch số 204/KH-UBND triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Thứ hai, về xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến pháp luật liên quan đến doanh nghiệp

Để kịp thời phổ biến các quy định, chính sách của Nhà nước cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng tham dự như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp như: Tư vấn, định hướng hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh ...

Hàng tháng Sở Tư pháp phát hành Tờ Thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cấp phát miễn phí cho các Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thông tin kịp thời những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế xã hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản QPPL của trung ương và địa phương mới ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã xây dựng các tài liệu hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nội dung như: “Một số chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19”; Quy định về trình tự thủ tục đầu tư đối với dự án sử dụng đấ có vốn đầu tư trong nước; Một số tình huống về xử phạt vi phạm hành chính (trong đó có các nội dung liên quan đến doanh nghiệp)... các tài liệu này được phát hành miễn phí đến đối tượng là các doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, pháp chế tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh….

Các huyện, thành phố, thị xã đã cấp phát sổ tay hướng dẫn, tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã.

Thứ ba, về hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp

Để nâng cao hiểu biết pháp luật cho doanh nghiệp, thời gian qua, hoạt động tập huấn cho doanh nghiệp các văn bản pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến doanh nghiệp cũng đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện. Hằng năm, Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức tổ chức các cuộc Hội nghị tập huấn pháp luật cho doanh nghiệp như: Bồi dương kiến thức liên quan đến Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự; Tọa đàm an toàn lao động; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Hội nghị đối thoại về vấn đề thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Hội nghị đối thoại về cơ chế giải quyết tranh chấp lĩnh vực đầu tư cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật giới thiệu về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại... Các hoạt động này đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về chính sách của tỉnh, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia - Cục Quản lý đấu thầu tổ chức lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu qua mạng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng các Chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng về Chuyển đổi số, Dịch vụ công trực tuyến, nền tảng số và kỹ năng Ứng dụng CNTT cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ cấp xã; tổ chức trên 40 lớp tập huấn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến và bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thị trong tỉnh…; Trung tâm hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư đã thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên về hướng dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai đầu tư tại tỉnh; đã tổ chức hơn 25 lớp tập huấn có nội dung cung cấp, cập nhật, bồi dưỡng những kiến thức pháp luật về đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh…

Thứ tư, về hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp

Về hỗ trợ giải đáp các vướng mắc khó khăn liên quan đến pháp lý doanh nghiệp: Triển khai xây dựng Chuyên mục thông tin tư vấn, hỗ trợ pháp lý Doanh nghiệp (tại địa chỉ: http://hotrophaply.hatinh.gov.vn/) và đưa vào hoạt động đầu năm 2018. Đến nay, Chuyên mục có 100 ngàn lượt truy cập mỗi năm, đã tiếp nhận, xử lý hơn 140 câu hỏi trong đó đăng tải và trả lời hơn 100 câu. Hàng năm cập nhất gần 100 tin bài, văn bản liên quan hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Chuyên mục Doanh nghiệp hỏi Cơ quan nhà nước trả lời (tại địa chỉ: http://dnh.hatinh.gov.vn/), từ năm 2021 đến nay đã tiếp nhận và chuyển gần 200 câu hỏi, thắc mắc của doanh nghiệp tới các cơ quan chuyên môn để được giải đáp, hướng dẫn; đồng thời công khai các văn bản trả lời của các cơ quan chuyên môn trên Trang thông tin điện tử để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể khai thác bất cứ lúc nào. Hằng năm, tại các cuộc tọa đàm, đối thoại giữa doanh nghiệp, doanh nhân với Chủ tịch UBND tỉnh nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh cụ thể, thiết thực, có giá trị, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận rõ hơn về những tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã đang phải đối mặt cũng như đã đề xuất một số giải pháp kiến nghị khả thi, hiệu quả, tăng cường sự đồng hành giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mặt khác, từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp chủ động, tích cực trong việc tham gia giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Qua đó, Sở Tư pháp đã thực hiện tư vấn hơn 300 vụ việc trong đó nhiều vụ việc có liên quan đến doanh nghiệp; tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, tài chính ...

Ngoài những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và quá trình triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, Sở Tư pháp nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc như:

- Sự quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tương xứng với yêu cầu của công tác này, chưa tích cực tìm ra các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh hoạt động này.

- Sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có lúc chưa chặt chẽ.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh là cán bộ pháp chế, tuy nhiên, đội ngũ này chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai nhiệm vụ này có phần hạn chế.

- Nguồn kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý tại các đơn vị sở, ban, ngành chưa được đảm bảo để đáp ứng được nhiệm vụ.

- Phần lớn các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh hoạt động theo mô hình nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp không bố trí được cán bộ pháp chế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Từ những khó khăn, vướng mắc đó đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh, tập trung vào các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với nội dung là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực tư vấn pháp lý cho đội ngũ này trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng cẩm nang, tài liệu mang tính chất nghiệp vụ về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các địa phương có tài liệu tham khảo trong quá trình triển khai nhiệm vụ./.

Hồng Phúc

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: