Một số nội dung góp ý đối với dự thảo Luật Giá

Trong thời gian qua, công tác điều hành, quản lý giá đã góp phần kiểm soát lạm phát hàng năm theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống giá điện, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình; thu hẹp danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (chỉ định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội); không thực hiện bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá; phát triển nghề thẩm định giá theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn... Theo đó, đã góp phần thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động theo các tín hiệu về cung cầu, giá cả thị trường; tạo điều kiện huy động, phân bổ và vận dụng hợp lý hơn các nguồn lực của đất nước; góp phần tạo nên tốc độ phát triển cao của nền kinh tế, cải thiện đời sống kinh tế xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau 9 năm thi hành Luật cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Nội dung một số Điều, Khoản còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện; một số quy định tại Luật hiện hành còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật, Bộ luật; Thiếu các quy định đồng bộ về hình thức, thẩm quyền định giá khi có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá ngoài danh mục…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật giá và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện thì việc ban hành Luật Giá thay thế Luật Giá số 11/2012/QH13 là hết sức cần thiết.

Qua nghiên cứu dự thảo, tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

- Một là về quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

Tại điểm c khoản 2 Điều 7 quy định nội dung: ‘‘c) Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý". Tuy nhiên, quy định như dự thảo còn mang tính chung chung, đề nghị quy định rõ những trường hợp như thế nào là "bất hợp lý" để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Hai là về thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

+ Tại khoản 1 Điều 11 quy định "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền". Tuy nhiên, nội dung này chưa nêu rõ được phương thức cho ý kiến (tại cuộc họp hay cho ý kiến bằng văn bản). Trường hợp cho ý kiến bằng văn bản, đề nghị quy định rõ hình thức văn bản cho ý kiến.

Đồng thời, cần nêu rõ đối tượng, phạm vi cho ý kiến, ví dụ như cho ý kiến về mặt chủ trương hay cho ý kiến đối với toàn bộ nội dung dự thảo văn bản quyết định giá hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Đối với việc quyết định giá cho các dịch vụ riêng lẻ (ví dụ giá thuê ki ốt của của từng chợ cụ thể), đề nghị chỉnh sửa theo hướng không phải lấy ý kiến HĐND tỉnh để tránh phát sinh thêm quy trình, ảnh hưởng đến thời gian quyết định giá.

+ Tại điểm a khoản 2 Điều 11 giao UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn "Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá trên địa bàn". Tuy nhiên, việc giao nội dung quy định chi tiết như trên có phạm vi rộng, gây khó khăn cho các địa phương trong việc xác định phạm vi điều chỉnh cũng như các nội dung cụ thể để quy định tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ hơn nội dung giao quy định chi tiết, tạo thuận lợi trong thực tiễn triển khai.

- Ba là về nguyên tắc niêm yết giá:

Tại khoản 3 Điều 34 quy định nội dung "việc niêm yết giá phải đi kèm đơn vị định lượng cụ thể và không được thể hiện với kích thước nhỏ hơn giá niêm yết". Tuy nhiên, nội dung "kích thước nhỏ hơn giá niêm yết", tuy nhiên dự thảo không xác định rõ đây là kích thước của đối tượng nào, đề nghị chỉnh sửa để đảm bảo rõ ràng.

- Bốn là về Thẻ thẩm định viên về giá:

Tại điểm c khoản 2 Điều 48 quy định người tham dự kỳ sát hạch cấp Thẻ thẩm định viên về giá phải có một trong các điều kiện là "có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá từ 36 tháng trở lên". Tuy nhiên, đề nghị xác định rõ hình thức văn bản để chứng minh cho việc đáp ứng điều kiện này, ví dụ như có "xác nhận bằng văn bản của doanh nghiệp nơi người tham dự kỳ sát hạch làm việc" để đảm bảo chặt chẽ cho dự thảo.

- Năm là về đăng ký hành nghề thẩm định giá và thẩm định viên về giá:

+ Tại điểm c khoản 2 Điều 49 quy định trường hợp "Người có hành vi vi phạm pháp luật về thẩm định giá bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt" thì không được đăng ký hành nghề thẩm định giá.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì "Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính" sẽ được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị chỉnh sửa nội dung tại dự thảo theo hướng "bị xử phạt vi phạm hành chính mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định" để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất cho dự thảo.

+ Tại khoản 2 Điều 50 quy định "Người có thẻ thẩm định viên về giá được hành nghề khi Bộ Tài chính thông báo đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá". Tuy nhiên, trong dự thảo chưa có nội dung quy định về các trường hợp "đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá", đề nghị xem xét bổ sung đảm bảo đầy đủ, tạo cơ sở cho việc xác định người có thẻ thẩm định viên về giá được thực hiện hành nghề.

- Sáu là về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá:

Tại khoản 1 Điều 53 quy định "Doanh nghiệp khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải có 5 người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp", đề nghị chỉnh sửa số lượng người từ "05 người" thành "tối thiểu 05 người" để đảm bảo chính xác và hợp lý.

- Bảy là về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá:

Tại khoản 1 Điều 57, đề nghị bổ sung "Điều 55" và chỉnh sửa thành "Được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đồng thời phải bảo đảm duy trì các điều kiện hoạt động kinh doanh quy định tại Điều 53, Điều 55 và các nghĩa vụ quy định tại Điều 58 Luật này", vì nội dung Điều này còn quy định liên quan đến chi nhánh doanh nghiệp nên cần phải đáp ứng điều kiện tại Điều 55 về chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá. Bên cạnh đó, việc bổ sung còn đảm bảo được thống nhất với nội dung tại khoản 2 Điều 57.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 57, đề nghị xác định rõ thời điểm để tính thời hạn "tối đa 03 tháng" để các doanh nghiệp thực hiện khắc phục nhằm đảm bảo rõ ràng, thống nhất trong quá trình áp dụng. Tương tự, đề nghị rà soát, chỉnh sửa trong toàn bộ dự thảo.

- Tám là về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan đến Luật giá:

Tại Điều 74, đề nghị rà soát, chỉnh sửa một số nội dung sau:

+ Tên Điều 74 là “sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan đến luật giá” nhưng nội dung của Điều 74 chỉ quy định về bãi bỏ là chưa thống nhất, đề nghị chỉnh sửa cho phù hợp.

+ Điểm b khoản 1 quy định bãi bỏ Điều 83 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là chưa chính xác, vì Điều 83 quy định về tổ chức hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, chỉ có khoản 6 Điều 83 là quy định thẩm quyền của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô.

+ Điểm g khoản 1 quy định bãi bỏ khoản 4, khoản 5 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên tại khoản 4, khoản 5 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ quyền hạn của HĐND tỉnh trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, kho học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế, lao động và chính sách xã hội. Do đó, việc bãi bỏ toàn bộ khoản 4, khoản 5 là chưa chính xác, đề nghị rà soát và bãi bỏ riêng các điểm quy định về giá./.

Thanh Hoa

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: