Một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản QPPL và văn bản hướng dẫn thi hành

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, chất lượng VBQPPL ngày càng được nâng lên rõ rệt, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức và công dân trong phát triển sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội khác, thu hút đầu tư trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tiễn nhận thấy một số quy định của Luật cũng như văn bản hướng dẫn thi hành còn những bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng văn bản:

Thứ nhất, về xác định các trường hợp ban hành VBQPPL

Luật Ban hành VBQPPL quy định HĐND tỉnh ban hành văn bản QPPL trong 04 trường hợp (Điều 27); UBND tỉnh ban hành văn bản quy định trong 03 trường hợp (Điều 28). Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp vướng mắc do Luật chưa đưa ra khái nhiệm và các tiêu chí quy định như thế nào là Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương”; “Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương”. Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”; “Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương”. Do đó, đối với Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh chủ yếu là quy định khoản 1, 4 Điều 27 và khoản 1 Điều 28 Luật còn các khoản còn lại rất khó để xác định.

Thứ hai, về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

Khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL quy định “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”. Tuy nhiên, do không có quy định hướng dẫn cụ thể nên còn có những băn khoăn trong việc hiểu "VBQPPL mới" là VBQPPL được ban hành sau hay là VBQPPL có hiệu lực sau vì thời điểm ban hành và thời điểm có hiệu lực pháp luật khác nhau.

Bên cạnh đó, Luật chưa quy định nguyên tắc áp dụng trong trường hợp văn bản do cùng một cơ quan ban hành, cùng thời điểm nhưng có quy định khác nhau về cùng một vấn đề gây khó khăn cho các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc áp dụng văn bản.

Thứ ba, về thẩm quyền ban hành quy định thủ tục hành chính

Theo quy định tại Điều 14 của Luật thì HĐND, UBND tỉnh được phép quy định thủ tục hành chính trong trường hợp Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao trường hợp HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo khoản 4 Điều 27 Luật. Tuy nhiên, trên thực tế một số Nghị định của Chính phủ cũng giao HĐND tỉnh quy định thủ tục hành chính, như khoản 2 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP quy định Trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, nội dung thẩm định hồ sơ đề nghị dự án, phương án sản xuất, dịch vụ thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Trường hợp này gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình thực hiện, vì nếu không ban hành thì không triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ, còn ban hành thủ tục hành chính thì trái Luật Ban hành VBQPPL.

Thứ tư, về trách nhiệm rà soát nội dung giao quy định chi tiết

Tại điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP) quy định trách nhiệm của Bộ, ngành Trung ương rà soát nội dung giao quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước cho địa phương ban hành, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Như vậy, cùng một nhiệm vụ rà soát nội dung giao quy định chi tiết nhưng Bộ, ngành và địa phương cùng thực hiện dẫn đến trùng lặp nhiệm vụ giữa Trung ương và địa phương.

Đồng thời, thực tế Nghị định, Thông tư giao cho địa phương nhiều nội dung để quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng Luật và 02 Nghị định hướng dẫn thi hành lại không giao địa phương thực hiện việc rà soát lập danh mục nội dung quy định cụ thể này. Do đó, quá trình thực hiện còn có khó khăn nhất định.

Thứ năm, về quy định hiệu lực của VBQPPL

Tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành VBQPPL quy định "VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực". Đồng thời, tại khoản 3 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo VBQPPL hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành VBQPPL có trách nhiệm: "Lập, công bố theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền công bố danh mục các văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết theo quy định tại khoản 2 Điều này trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực". Như vậy, theo các quy định trên thì trong trường hợp văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực nhưng văn bản quy định chi tiết chưa được công bố hết hiệu lực thì có được tiếp tục áp dụng không thì không có hướng dẫn cụ thể, vì thực tế có nhiều trường hợp Luật mới có hiệu lực thi hành nhưng chưa có Nghị định hướng dẫn. Ví dụ như liên quan đến hiệu lực thi hành của các văn bản quy định chi tiết Luật Đấu thầu 2013 (Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Mặc dù hiện nay Luật Đấu thầu 2013 đã hết hiệu lực thi hành nhưng các văn bản quy định chi tiết Luật Đấu thầu 2013 nêu trên chưa được công bố hết hiệu lực và cũng chưa có văn bản mới thay thế, dẫn đến địa phương còn có những băn khoăn trong việc áp dụng văn bản vào thực hiện quy trình đấu thầu.

Thứ sáu, về trình tự, thủ tục bãi bỏ VBQPPL

Theo quy định hiện hành thì việc xây dựng và ban hành VBQPPL để bãi bỏ VBQPPL khác do văn bản này hết hiệu lực thi hành theo khoản 1, 2, 4 Điều 154 Luật 2015 cũng phải đảm bảo tuân thủ các trình tự, thủ tục theo Luật định là chưa thật sự hợp lý. Vì thực tế việc xây dựng ban hành văn bản để bãi bỏ VBQPPL đã hết hiệu lực thi hành đã xác định được lý do cụ thể hết hiệu lực của văn bản mà cần phải tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL theo quy định bắt buộc thiết như lấy ý kiến góp ý, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh 30 ngày,… như vậy là mang tính hình thức./.

Thanh Hoa

 TIN TỨC LIÊN QUAN