Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Vừa qua, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý. Đối với dự thảo lần này, xin có một số ý kiến góp ý như sau:

1. Điểm h Khoản 1 Điều 7 quy định cấm tổ chức hành nghề công chứng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình. Theo Luật Quảng cáo 2012 thì Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ … Hiện nay, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đang khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách nhà nước. Việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân hiểu biết nhiều hơn về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng; đặc biệt là ở các địa bàn có tổ chức hành nghề công chứng mới thành lập; tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ quy định này.

2. Khoản 3 Điều 12 dự thảo quy định: “Người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà có quyết định của tòa án về việc không được hành nghề công chứng”. Đề nghị bỏ cụm từ “mà có quyết định của Tòa án về việc không được hành nghề công chứng” vì những người thuộc các trường hợp nêu trên đương nhiên không được hành nghề công chứng mà không cần phải có quyết định của Tòa án.

3. Khoản 1 Điều 37 dự thảo quy định công chứng viên phải xuất trình Thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với thực tiễn, đề nghị quy định công chứng viên phải đeo thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng.

4. Tại Điều 40 dự thảo, đề nghị bỏ quy định tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên có chức năng hướng dẫn nghiệp vụ cho hội viên để phù hợp với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng quy định tại Điều 71 dự thảo.

5. Điều 41 dự thảo quy định thủ tục công chứng, theo đó, công chứng viên kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng (Khoản 2), hướng dẫn, giải thích cho người yêu cầu công chứng, kiểm tra dự thảo giao dịch, người yêu cầu công chứng đọc lại dự thảo và ký vào từng trang của giao dịch, sau đó công chứng viên mới yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ. Do đó, để đảm bảo tính logic của quy trình, đề nghị đưa nội dung xuất trình bản chính các giấy tờ tại Khoản 7 thực hiện đồng thời với việc kiểm tra các giấy tờ tại Khoản 2.

6. Khoản 3 Điều 48 quy định Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, đối với trường hợp người yêu cầu công chứng không mời được người phiên dịch thì đề nghị xem xét bổ sung quy định Công chứng viên chỉ định người phiên dịch là cộng tác viên dịch thuật của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc phiên dịch.

7. Luật Công chứng hiện nay và Dự thảo đều không có quy định giới hạn độ tuổi của công chứng viên nên thực tế có nhiều trường hợp công chứng viên tuổi đã cao (trên 70 tuổi, có trường gần 80 tuổi) vẫn hành nghề công chứng. Đây là một bất cập bởi vì hoạt động công chứng ngoài đòi hỏi về sức khỏe, sự minh mẫn, chuyên môn nghiệp vụ còn yêu cầu phải có sự nghiên cứu, cập nhật pháp luật thường xuyên cũng như nắm bắt các vấn đề phát sinh trong xã hội có liên quan đến công chứng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về độ tuổi tối đa của công chứng viên.

8. Tại Khoản 3 Điều 51 về việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, do việc sửa lỗi không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao dịch, công chứng viên có trách nhiệm sửa lỗi kỹ thuật đối với các bản chính của văn bản công chứng, nên đề nghị không quy định công chứng viên phải thông báo bằng văn bản mà chỉ cần thông báo cho những người tham gia giao dịch,  đồng thời thống nhất với việc thông báo trong trường hợp công chứng hợp đồng ủy quyền quy định tại Khoản 3 Điều 56.

9. Tại Khoản 3 Điều 56, đề nghị sửa cụm từ sửa lỗi kỹ thuật theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 của Luật này thành sửa lỗi kỹ thuật theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 của Luật này

10. Khoản 2 Điều 64 dự thảo quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ có một cơ sở dữ liệu công chứng, một quy chế sử dụng, một cách triển khai khác nhau với quy mô đầu tư, cách thức quản lý, khai thác nền tảng công nghệ và chức năng, tiêu chuẩn của cơ sở dữ liệu khác nhau. Mỗi tỉnh đều phải lập dự án và thực hiện từ bước khảo sát, thiết kế, lập trình, triển khai ứng dụng, đào tạo và duy trì bộ máy vận hành cơ sở dữ liệu. Điều này tạo ra một sự lãng phí lớn, bởi thay vì chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu áp dụng thống nhất thì phải thiết kế tới 63 hệ thống khác nhau tại mỗi tỉnh, thành. Mặt khác, việc công chứng một số giao dịch về bất động sản quy định tại Điều 43 dự thảo và các giao dịch về động sản không bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, nhằm ngăn chặn và cảnh báo rủi ro trong hoạt động công chứng, đề nghị xem xét quy định Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc./.

Hạnh Ngân

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: