Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo Luật Đất đai năm 2024 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp

Luật Đất đai 2024, được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn quản lý và sử dụng đất, trong đó có những tác động tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững…

       Trên cơ sở bám sát tinh thần Nghị Quyết số 18 -NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, thể chế hoá các quan điểm của Đảng, Luật Đất đai năm 2024 có những sửa đổi quan trọng về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, trước hết là mở rộng đối tượng và phạm vi tiếp cận đất nông nghiệp. Theo đó, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Quy định này thúc đẩy các cá nhân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp góp phần đa dạng hoá thành phần tham gia lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng lực, trình độ giai cấp nông dân.

Mặt khác, quy định này chỉ áp dụng đối với diện tích trong hạn mức giao đất để hạn chế tình trạng thu gom đất, ảnh hưởng quyền lợi của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh phần lớn nông dân của nước ta chưa có điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp khỏi khu vực kinh tế sản xuất nông nghiệp, khiến bần cùng hoá nông dân. Do vậy, tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 đã quy định khi muốn mở rộng diện tích nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, các cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp sẽ phải thành lập tổ chức kinh tế và lập phương án sử dụng đất trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt để bảo đảm tính chuyên nghiệp hoá của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời qua đó tạo việc làm cho người nông dân tham gia vào sản xuất ổn định cuộc sống. Như vậy, Luật Đất đai mở ra một cánh cửa mới để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng cũng tạo ra những “nút thắt” chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp năng lực của từng đối tượng.

Đồng thời, đối với người sử dụng đất nông nghiệp, tại Điều 47 Luật Đất đai năm 2024 cho phép được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân chủ động chuyển đổi vị trí canh tác, chủ động trong công tác dồn điền đổi thửa hạn chế sự manh mún của đất sản xuất nông nghiệp, tạo ra khu vực sản xuất tập trung, thuận lợi để áp dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào việc canh tác trên đồng ruộng.

Luật Đất đai cũng cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại Điều 178. Cùng với các quy định về sử dụng đất đa mục đích tại Điều 218 cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu và ngược lại một số loại đất cũng được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp tạo nên cơ chế thông thoáng hình thành các mô hình sử dụng đất kết hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng nguồn thu nhập cho người nông dân.

Hy vọng với những đổi mới của chính sách đất đai theo Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 sẽ góp phần khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

                                                                                                        Kim Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN