Quyền sở hữu tài sản và các quy định bảo vệ quyền sở hữu tài sản

Một trong các quyền của tổ chức, cá nhận được pháp luật bảo hộ đó chính là quyền đối với tài sản, theo đó tại Bộ luật dân sự đã quy định cụ thể về các quyền này đối với tài sản. Đồng thời, để các tài sản đó được bảo vệ và chủ sở hữu được thực hiện các quyền của mình thì Nhà nước đã ban hành các chế tài để bảo vệ quyền đó. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của việc xâm phạm đối với các quyền của tài sản mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với quyền sở hữu tài sản, tại Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận bao gồm 03 quyền: Quyền chiếm hữu là “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”(Điều 186); Quyền sử dụng là “quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.” (Điều 189) và Quyền định đoạtlà quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.” (Điều 192).

          Như vậy, có thể hiểu khi công dân có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản thì được thực hiện các quyền đối với tài sản, được nắm giữ, chi phối, hưởng hoa lợi, lợi tức và quyết định việc chuyển giao tài sản cho người khác dưới nhiều hình thức như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…Trong các loại tài sản thì đất đai được xem là một loại tài sản đặc biệt, Nhà nước chỉ ghi nhận quyền sử dụng mà không ghi nhận quyền chiếm hữu, quyền định đoạt bởi tại Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định rõ đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý và tại Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”. Do đó, đối với đất đai thì cá nhân, tổ chức chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.

          Bên cạnh việc ghi nhận các quyền đối với tài sản thì Nhà nước có các biện pháp để bảo vệ quyền của công dân đối với các tài sản của mình. Theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã đưa ra chế tài xử phạt đối với các hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân như: chiếm đoạt tài sản; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác; Cưỡng đoạt tài sản… với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, ngoài ra còn bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trục xuất nếu người vi phạm là người nước ngoài và bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

          Khi xâm phạm ở mức độ vi phạm nghiêm trọng, các hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 với các tội danh như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172; Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173; Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176; Tội sử dụng trái phép tài sản được quy định tại Điều 177 và một số tội danh khác khi xâm phạm đến quyền về tài sản của chủ sở hữu sẽ bị phạt tiền đến 100.000.000đ và phạt tù lên đến 20 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi cụ thể. Trong quy định về các tội của Bộ luật Hình sự không có khái niệm như thế nào là chiếm giữ, công nhiên chiếm đoạt, cưỡng đoạt…nhưng có thể căn cứ vào các quyền của chủ sở hữu được quy định tại Bộ luật Dân sự để từ đó đưa ra nhận định tổ chức, cá nhân bị xâm phạm những quyền gì đối với tài sản để xác định đúng đối với hành vi vi phạm của tài sản đó.

          Với các chế tài được quy định rõ theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hình sự, tổ chức, cá nhân nếu bị xâm phạm về các quyền đối với tài sản thì có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hoặc điều tra nhằm xem xét tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm để xác định hành vi vi phạm đồng thời đưa ra chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ và cụ thể về quyền và các chế tài để bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản của mình, khi các quyền này bị xâm phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật./.

Bùi Cẩm Thạch

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 23/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định gồm 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD) gồm 15 Chương và 210 Điều với nhiều quy định mới so với hiện nay. Đáng chú ý là Luật này đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền tại cơ quan Sở Tư pháp đã được thực hiện tốt, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các Chương trình, Kế hoạch của công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể; quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác dân vận chính quyền, công tác dân chủ ở cơ quan bằng hình thức phù hợp. Trên cơ sở đó, các phòng, Trung tâm thuộc Sở đã chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị mình thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức đã có tác dụng tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí từ trong Đảng đến quần chúng, xây dựng sự đồng thuận trong từng đơn vị. Tổ chức Đảng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Theo định kỳ tổ chức họp bằng các hình thức phù hợp để rà soát, đánh giá lại kết quả, đánh giá hạn chế, khó khăn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nhờ bám nắm các văn bản của Trung ương, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân chủ của tỉnh và sự hướng dẫn của Sở Nội vụ nên nhiệm vụ này được triển khai thuận lợi, đảm bảo tính đồng bộ, có hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, “Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra…Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển”.
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 có ý nghĩa thật sự quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động công chứng, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững. Thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật. Đối với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, chúng tôi tiếp tục có một số ý kiến góp ý như sau: