Một số nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Thứ nhất, bổ sung quy định về cấp thẻ giám định viên
Trước đây, thẻ giám định viên tư pháp đã được quy định ở Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004, theo đó, người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì được Bộ Tư pháp cấp thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh. Đến Luật Giám định tư pháp năm 2012 không còn quy định về vấn đề này. Trong lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự, hiện nay Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 15/8/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự quy định (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 77/2019/TT-BCA ngày 23/12/2019) có quy định về thẻ giám định viên kỹ thuật hình sự; thẩm quyền cấp thẻ thuộc về Viện Khoa học hình sự và Giám đốc Công an tỉnh.
Để góp phần bảo đảm điều kiện thuận lợi cho giám định viên trong quá trình hoạt động giám định, nhất là tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp. Trong đó, người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì được cấp thẻ giám định viên tư pháp; người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp; Bộ Tư pháp ban hành thống nhất mẫu thẻ giám định viên tư pháp.
Thứ hai, sửa đổi về hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Theo đó, trong thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp không còn quy định Phiếu lý lịch tư pháp đối với người đang là công chức, viên chức, sỹ quan quân đội, sỹ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.
Thứ ba, bổ sung các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp
Để khắc phục bất cập về vấn đề miễn nhiệm trong quản lý đội ngũ giám định viên tư pháp, Luật đã bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp, bao gồm:
- Có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp;
- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện thực hiện giám định;
- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp; đối với công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp;
- Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng không thành lập Văn phòng hoặc thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động.
Thứ tư, bổ sung tổ chức giám định tư pháp công lập
Theo Chính phủ, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay thì yêu cầu giám định về dữ liệu điện tử ngày càng tăng, đặc biệt khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc thì nhu cầu giám định về loại việc này ngày càng lớn. Chính vì vậy, việc bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử nhằm tăng cường hoạt động giám định, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án.
Thứ năm, sửa đổi quy định về công bố người giám định tư pháp theo vụ việc
Theo đó, quy định các cơ quan có thẩm quyền “lựa chọn, lập và hằng năm công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý” tại Điều 20 của Luật Giám định tư pháp được sửa đổi thành “lựa chọn cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý”, đồng thời, danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải được rà soát, cập nhật thường xuyên.
Thứ sáu, bổ sung quy định về thời hạn giám định
Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp khác tối đa là 03 tháng. Trong trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn hoặc điều kiện thực hiện giám định có khó khăn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng; nếu có gia hạn thì không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó./.
Hạnh Ngân