03 phương án để xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật
Ngày 24/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Nghị quyết được ban hành là một bước đột phá trong công tác hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các “điểm nghẽn” do quy định của pháp luật gây kìm hãm, ách tắc, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, qua đó huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Nghị quyết có 03 phương án để xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, bao gồm:
(1) Giải thích luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Điều 60 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 61 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(2) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để quy định vấn đề mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định hiện hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(3) Ban hành nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 trong thời gian luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Đặc biệt, Nghị quyết quy định cho phép Chính phủ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số quy định có liên quan tại luật, nghị quyết của Quốc hội do Chính phủ trình. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Chính phủ trong trường hợp này phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 206/2025/QH15 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại phiên họp, kỳ họp gần nhất; nghị quyết được ban hành trong trường hợp này chỉ có hiệu lực tối đa đến ngày 28/02/2027.
Nghị quyết 206/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 24/06/2025 đến hết ngày 28/02/2027./.
Kim Khánh