Bốn tháng đầu năm 2020: Hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

        Trong lĩnh vực công chứng, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1001/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 cho phép thành lập Văn phòng công chứng tại thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nâng tổng số tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh lên 09 tổ chức với 19 công chứng viên. Về cơ bản, hoạt động của các tổ chức này đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong thực hiện các giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại…

        Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đấu giá tiếp tục được đẩy mạnh. Sở Tư pháp đã kịp thời triển khai cập nhật thông tin đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản và các thông tin khác theo quy định trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Đến nay, 07/07 tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh đã được cấp tài khoản để sử dụng Cổng thông tin này.

        Đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư được củng cố, phát triển.  Trong 4 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã đề nghị và được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư cho 02 trường hợp. Ngoài ra, Sở đã cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 03 tổ chức và 01 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (trụ sở đều tại Thành phố Hà Tĩnh), nâng tổng số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh lên 11 tổ chức và 05 chi nhánh với 44 luật sư.

        Đội ngũ người giám định tư pháp tiếp tục được kiện toàn, đã bổ sung thêm 01 giám định viên kỹ thuật hình sự, 01 giám định viên pháp y và 01 người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương.

(Hình ảnh họp Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp)

        Sở Tư pháp đã kịp thời trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 21/4/2020 thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Đặc biệt trong đó có đề ra nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì tham mưu triển khai trong Quý III năm 2020.

        Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động xét xử. Việc ban hành Quy chế nhằm bảo đảm tốt nhất quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúppháp lý, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; tăng cường mốiquan hệ phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động xét xử giữa Sở Tư pháp vàTòa án nhân dân. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-STP về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặt mục tiêu đảm bảo 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu, trong đó chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng.

        Thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động bổ trợ tư pháp; hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; bổ sung người giám định tư pháp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức giám định tư pháp; tham mưu chính sách hỗ trợ, ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; tiếp tục kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục duy trì công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm, đảm bảo hoạt động bổ trợ tư pháp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật./.

 

Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN